Quốc hội Sri Lanka nối lại điều tra sơ hở trong hệ thống an ninh

Bất chấp yêu cầu của Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, Quốc hội nước này đã nối lại cuộc điều tra liên quan đến những sơ hở về an ninh trước khi xảy ra loạt vụ đánh bom liều chết hôm 21/4.
Quốc hội Sri Lanka nối lại điều tra sơ hở trong hệ thống an ninh ảnh 1Binh sỹ Sri Lanka gác bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Kattankudy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bất chấp yêu cầu của Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, Quốc hội nước này đã nối lại cuộc điều tra liên quan đến những sơ hở về an ninh trước khi xảy ra loạt vụ đánh bom liều chết vào ngày Lễ Phục sinh (21/4) vừa qua khiến hàng trăm người thương vong.

Một quan chức cho biết Ủy ban đặc biệt của Quốc hội bắt đầu phiên điều trần với sự tham gia của những lãnh đạo Hồi giáo từng nói rằng họ đã liên tiếp cảnh báo nhà chức trách về mối nguy hiểm cực đoan. Kết quả phiên điều trần hé lộ một số quan chức an ninh và cảnh sát cấp cao trực tiếp dưới quyền của Tổng thống Sirisena phớt lờ những cảnh báo do tình báo nước ngoài đưa ra.

Tuần trước, Tổng thống Sirisena đã yêu cầu Nội các Sri Lanka dừng các phiên đầu trần tại Ủy ban đặc biệt. Ông Sirisena tuyên bố sẽ không cho phép các quan chức tham gia phiên điều trần, tuy nhiên Quốc hội cảnh báo bất kỳ quan chức nào từ chối lệnh triệu tập có thể đối mặt với án phạt tới 10 năm tù.

Trong loạt tấn công khủng bố xảy ra hôm 21/4, Sri Lanka hứng chịu 8 vụ nổ nhằm vào các nhà thờ Công giáo và các khách sạn hạng sang khiến hơn 250 người thiệt mạng và 500 người bị thương.

Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc cách đây một thập kỷ.

Trong số các nạn nhân có nhiều du khách nước ngoài. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận gây ra vụ tấn công, song giới chức Sri Lanka nghi các thành viên của 2 nhóm phiến quân National Thawheedh Jamaath (NTJ) và Jammiyathul Millathu Ibrahim là thủ phạm các vụ tấn công này. Vụ việc cũng cho thấy những sơ hở nghiêm trọng trong hệ thống an ninh tại quốc gia này.

Ngày 8/6 vừa qua, Tổng thống Sirisena đã sa thải Giám đốc Tình báo quốc gia Sisira Mendis, cho rằng loạt vụ tấn công đẫm máu lẽ ra có thể được ngăn chặn nếu cảnh sát được phép bắt giữ tên đầu sỏ ngay từ năm 2018. Trước đó, Tổng thống cũng cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Hemasiri Fernando và đình chỉ chức vụ Tổng thanh tra cảnh sát Pujith Jayasundara với cáo buộc gây ra lỗ hổng an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục