Quốc hội Singapore chính thức thông qua Luật phá sản sửa đổi

Singapore vừa chính thức thông qua Luật Phá sản nhằm đảm bảo một sự chắc chắn hơn đối với những người bị phá sản khi họ có đầy đủ các điều kiện để thoát khỏi tình trạng này.
Bộ trưởng cấp cao về Luật pháp Singapore Indranee Rajah. (Nguồn: asiaone)

Singapore vừa chính thức thông qua Luật Phá sản nhằm đảm bảo một sự chắc chắn hơn đối với những người bị phá sản khi họ có đầy đủ các điều kiện để thoát khỏi tình trạng này.

Theo quy định mới, những người bị phá sản lần đầu nếu thanh toán đầy đủ các khoản nợ sẽ được công nhận thoát khỏi tình trạng phá sản trước thời hạn ba năm. Tên của họ cũng sẽ được loại bỏ khỏi hồ sơ công cộng 5 năm kể từ ngày xóa án phá sản.

Các khoản thanh toán cho khoản nợ cần phải được hoàn tất và được coi là điều kiện tiên quyết để xóa án phá sản, tương đương với 52 khoản đóng góp hàng tháng đối với những người bị phá sản lần đầu.

Trong trường hợp “con nợ” không thanh toán được các khoản nợ phải trả cho “chủ nợ” thì chỉ được xóa án sau bảy năm, nhưng tên của họ sẽ bị lưu vào hồ sơ công cộng vĩnh viễn.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng cấp cao về Luật pháp Indranee Rajah nhấn mạnh rằng những thay đổi trong Luật Phá sản (sửa đổi) lần này là nhằm tạo sự cân bằng cho những người phá sản có trách nhiệm, tạo điều kiện để họ có một khởi đầu mới về tài chính sau một thời gian hợp lý.

Luật sửa đổi cũng nâng mức nợ được đưa ra tòa. Trước đây, một con nợ nợ ít nhất là 10.000 SGD đã bị coi là phá sản và có thể bị kiện ra tòa. Ngưỡng này hiện được nâng lên 15.000 SGD. Mục đích là để khuyến khích các con nợ và chủ nợ giải quyết một cách ôn hòa, thay vì sẵn sàng đưa nhau ra tòa, để rồi có những cá nhân hay công ty bị tuyên bố phá sản chỉ vì những món nợ tương đối nhỏ.

Bên cạnh đó, một thay đổi khác là cho phép các chủ nợ được đệ đơn xin thực hiện phá sản sớm. Sau khi yêu cầu thanh toán trả nợ được phát hành đối với công ty nợ, chủ nợ sẽ không còn phải đợi 21 ngày trước khi nộp đơn xin phá sản.

Tuy nhiên, phía chủ nợ sẽ phải chứng minh khả năng tài sản hay giá trị tài sản của bên đi vay sẽ bị giảm đi đáng kể.

Các chủ nợ là tổ chức như ngân hàng cũng sẽ được yêu cầu hoặc khuyến khích bổ nhiệm thành viên để quản lý các vụ phá sản.

Động thái này được kỳ vọng sẽ đảm bảo sử dụng tốt hơn các nguồn lực công trong bối cảnh hiện nay nhiều trường hợp mà các chi phí của việc giải quyết các khoản nợ giữa các bên tư nhân nhưng Nhà nước đang phải gánh chịu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục