Quốc hội Serbia muốn "khép lại quá khứ" với Kosovo

Quốc hội Serbia đang thảo luận khả năng "bật đèn xanh" với thỏa thuận do EU làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ với Kosovo.
Ngày 26/4, Quốc hội Serbia bắt đầu thảo luận khả năng "bật đèn xanh" cho thỏa thuận do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ với Kosovo sau khi chính phủ Serbia đã phê chuẩn thỏa thuận này hôm đầu tuần.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Ivica Dacic cho rằng Belgrade từ lâu đã không còn kiểm soát Kosovo và cần có một thỏa thuận với tỉnh ly khai này để khép lại quá khứ, không chỉ vì khu vực miền Bắc Kosovo có đông người Serbia sinh sống mà vì cả đất nước Serbia.

Theo các nhà quan sát, nhiều khả năng thỏa thuận sẽ giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội, do các nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền và phe đối lập đều tỏ thái độ ủng hộ văn bản này, trong khi chỉ có Đảng Dân chủ Serbia theo đường lối dân tộc cực đoan và hoài nghi châu Âu (chiếm 21 ghế trong Quốc hội) công khai phản đối.

Bên ngoài tòa nhà Quốc hội, cảnh sát được triển khai dày đặc nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động quá khích nào từ phía những người theo đường lối dân tộc đang biểu tình tại đây để phản đối thỏa thuận giữa Belgrade và Pristina.

Với sự trung gian của EU, ngày 19/4 vừa qua ở thành phố Brussels của Bỉ, ông Dacic và người đứng đầu chính quyền tỉnh ly khai Kosovo, Hashim Thaci đã đạt thỏa thuận về cải thiện quan hệ.

[Serbia đã phê chuẩn thỏa thuận với khu vực Kosovo]

Chính phủ Serbia và Cơ quan lập pháp Kosovo đã thông qua thỏa thuận này lần lượt trong các ngày 22 và 21/4 vừa qua.

Ngay sau các động thái này, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị khởi động các cuộc đàm phán chính thức về việc Serbia gia nhập EU. Tuy nhiên, thỏa thuận này còn cần được Quốc hội Serbia thông qua.

Serbia mất kiểm soát đối với tỉnh miền Nam Kosovo vào tháng 6/1999 sau một chiến dịch ném bom của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm chống lại chiến dịch trấn áp ly khai của cố Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic.

Đến năm 2008, vùng đất này đã tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của chính quyền Serbia.

Cho đến nay, có hơn 90 nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và 22 trong tổng số 27 nước thành viên EU, công nhận Kosovo là quốc gia độc lập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục