Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ trình và đưa ra thảo luận về nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (Dự án Luật).
Quang cảnh một phiên họp của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị.

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ trình và đưa ra thảo luận về nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (Dự án Luật).

Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Việt Nam có đường biên giới đất liền hơn 5.000km, bờ biển dài 3.260km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,” “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; trong đó xác định nhiệm vụ biên phòng là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia…; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia.”

[Làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam]

Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này đang được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Tuy nhiên trong thực tế, việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, việc đầu tư của Nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn dàn trải; chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.

Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng.

Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới đều thống nhất kiến nghị, báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.

Hơn 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, hiện nay các nội dung trên chưa được quy định trong Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật liên quan, do đó chưa có cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam được nhận định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.

Cơ sở pháp lý trong đấu tranh với các hành động xâm phạm biên giới quốc gia

Trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và yêu cầu của thực tiễn, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Dự án Luật được chỉ đạo xây dựng trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, với nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đồng thời, Dự án Luật cũng sẽ là cơ sở pháp lý góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; phòng, chống có hiệu quả tội phạm, giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam là văn bản thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng còn giá trị, khắc phục những vướng mắc, bất cập; rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Đồng thời, các nội dung trong dự thảo Luật bám sát các chính sách đã được đánh giá tác động của dự án Luật; nghiên cứu, tiếp thu các quy định pháp luật về công tác biên phòng, tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới của một số nước láng giềng, khu vực để vận dụng phù hợp với điều kiện của nước ta.

Bảo đảm nguồn lực, tài sản cho nhiệm vụ biên phòng

Trên cơ sở ba chính sách đã xác định và đánh giá tác động: Xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; Luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng; Chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, nội dung dự thảo Luật quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng đảm bảo tính khái quát, toàn diện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhâm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế) hướng dẫn người dân xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới cách chăm sóc cây trẩu. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 34 điều. Ngoài những quy định chung gồm 4 điều được đề cập ở Chương I, tại các chương còn lại, dự thảo Luật đã nêu cụ thể các nội dung về nhiệm vụ biên phòng; lực lượng, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; lực lượng Bộ đội Biên phòng; việc bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Dự thảo Luật cũng là văn bản Luật hóa nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân được quy định tại Điều 15 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP gồm xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp và lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng; xây dựng các tiềm lực về nhân lực, chính trị, tinh thần, kinh tế, quốc phòng, an ninh, pháp luật, ngoại giao, khoa học, công nghệ làm nền tảng xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân.

Cùng với những quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới, phối hợp hoạt động, hệ thống tổ chức, trang bị, ngày truyền thống, tên giao dịch quốc tế, con dấu, trang phục, trang bị, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của Bộ đội Biên phòng, dự thảo Luật đã làm rõ một số vấn đề quan trọng về bảo đảm nguồn lực, tài sản cho nhiệm vụ biên phòng; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng...

Quá trình xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục soạn thảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; tổ chức lấy ý kiến 19 bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân 44 tỉnh, thành biên giới đối với hồ sơ dự thảo Luật; khảo sát, tọa đàm, hội thảo tại ba khu vực (miền Bắc, miền Trung, miền Nam) với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các sở, ban, ngành 17 tỉnh biên giới, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục