Ngày 16/1, cả hai viện của Cơ quan Lập pháp Liên bang Nga đều tuyên bố không có cơ sở để quay trở lại hoạt động tại Hội đồng Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE).
Chủ tịch Đuma Quốc gia (Hạ viện) Vyacheslav Volodin tuyên bố Nga không có cơ sở để cử phái đoàn của mình tại PACE, việc này phản ánh lợi ích của người dân. Đuma quốc gia Nga cũng cho rằng việc đóng góp nghĩa vụ tài chính năm 2019 cho PACE là không đúng khi phái đoàn Nga không được đại diện đầy đủ cho quyền lợi của người dân tại PACE.
[Ngoại trưởng Nga nêu điều kiện rời khỏi Hội đồng châu Âu]
Cùng ngày, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) cũng thông qua tuyên bố nêu rõ: “Các quyết định từ khóa họp trước về hạn chế quyền hạn của phái đoàn Nga tại PACE đã đi ngược lại các nguyên tắc căn bản của dân chủ và vi phạm một trong những nguyên tắc nền tảng nhất của luật pháp quốc tế - đó là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia." Vì vậy, Hội đồng liên bang Nga không thấy có lý do để tiếp tục tham gia vào hoạt động của PACE.
Quan hệ giữa PACE và Moskva trở nên căng thẳng từ năm 2014 khi PACE tước nhiều quyền của phái đoàn Nga liên quan đến vấn đề Nga sáp nhập Crimea. Đến tháng 6/2017, Nga đã phong tỏa việc đóng góp vào ngân sách của PACE, yêu cầu khôi phục lại đầy đủ quyền hạn của phái đoàn Nga.
Quyết định này khiến PACE gặp phải khó khăn tài chính khi thiếu hụt đi 1,5 triệu euro tiền đóng quỹ. Vào tháng 4/2018 Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Turbiern Jagland tuyên bố nếu Nga không đóng góp nghĩa vụ tài chính trong vòng hai năm thì cơ quan điều lệ của PACE là hội đồng bộ trưởng có thể xem xét vấn đề khai trừ Nga. Thời hạn có thể tiến hành việc này là tháng 6/2019./.