Quốc hội Nepal bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi

Quốc hội Nepal bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi theo hướng tăng cường sự hiện diện của dân tộc thiểu số Madhesi trong chính phủ.
Các nhà lập pháp Nepal trong một cuộc bỏ phiếu về một dự thảo hiến pháp mới. (Nguồn: AP)

Trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng kéo dài vài tháng qua, bắt nguồn từ việc những người biểu tình dân tộc thiểu số yêu cầu có thêm quyền đại diện chính trị, ngày 23/1, Quốc hội Nepal đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi của nước này.

Chủ tịch Quốc hội Nepal Onsari Gharti Magar khẳng định dự thảo sửa đổi Hiến pháp đầu tiên đã được thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ.

Văn kiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được các đảng phái Nepal đưa ra hồi đầu tháng trước theo hướng tăng cường sự hiện diện của dân tộc thiểu số Madhesi trong các cơ quan chính phủ thông qua tỷ lệ đại diện. Động thái này diễn ra sau khi bùng phát các cuộc biểu tình phản đối bản hiến pháp được ban hành hồi tháng 9/2015.

Hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình thuộc dân tộc Madhesi, chủ yếu đến từ các vùng đồng bằng miền Nam Nepal. Khi đó, người biểu tình đã phong tỏa một cửa khẩu chủ chốt của nước này, gây ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu và các nhu yếu phẩm trên toàn Nepal.

Căng thẳng được xoa dịu sau khi dự thảo Hiến pháp sửa đổi được xem xét. Tuy nhiên, người Madhesi cho rằng văn kiện này chưa đầy đủ và không đáp ứng yêu cầu chính của họ là phải xem xét lại việc phân chia Nepal thành 7 tỉnh mới.

Trong phiên họp ngày 23/1, các nghị sỹ Madhesi đã bỏ ra khỏi phòng họp Quốc hội để biểu thị sự phản đối. Kết quả, dự luật được thông qua với 461 phiếu thuận, 7 phiếu chống, trong khi 128 nghị sỹ không tham gia bỏ phiếu.

Ngày 20/9/2015, Nepal ban hành bản Hiến pháp mới, từ bỏ chế độ quân chủ cũ để trở thành nhà nước Cộng hòa liên bang bao gồm 7 tỉnh bang. Hiến pháp cũng bao gồm những điều khoản liên quan đến dân tộc thiểu số Madhesi và Tharu, chủ yếu sống ở khu vực đồng bằng phía Nam.

Tuy nhiên, một số nhóm tôn giáo sắc tộc, trong đó có nhóm Mặt trận Madhesi Dân chủ Thống nhất - nhóm đối lập chính ở Nepal, đã phản đối bản Hiến pháp, cho rằng các nghị sỹ đã phớt lờ những yêu cầu của họ về việc cần phân chia thêm số bang cũng như có thêm ghế cho cộng đồng sắc tộc thiểu số trong quốc hội và chính phủ.

Các vòng đàm phán giữa chính phủ và các đảng đối lập đã không đạt được thỏa thuận nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục