Quốc hội Mỹ nhất trí duy trì 28.500 binh sỹ tại Hàn Quốc

Bộ Quốc phòng Mỹ không được sử dụng ngân sách để tự ý cắt giảm quân đồn trú tại Hàn Quốc xuống dưới mức 28.500 binh sỹ, tăng 6.500 người so với quy mô năm 2019 (22.000 binh sỹ).
Quốc hội Mỹ nhất trí duy trì 28.500 binh sỹ tại Hàn Quốc ảnh 1Binh sỹ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Yongsan, Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/4/2003. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc ngày 12/12 đưa tin Quốc hội Mỹ đã thống nhất về Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) năm 2020, trong đó có nội dung duy trì quy mô hiện tại của lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc là 28.500 binh sỹ.

Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng là căn cứ pháp lý để Chính phủ Mỹ lập dự toán quốc phòng cho năm tiếp theo.

Quy mô NDAA lần này được nhất trí là 738 tỷ USD. Đặc biệt, đạo luật năm sau bao gồm nhiều chính sách ngoại giao quan trọng liên quan đến Bán đảo Hàn Quốc.

[Hàn Quốc tin tưởng đạt thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ]

Cụ thể, Đạo luật quy định Bộ Quốc phòng Mỹ không được sử dụng ngân sách để tự ý cắt giảm quân đồn trú tại Hàn Quốc xuống dưới mức 28.500 binh sỹ, tăng 6.500 người so với quy mô năm 2019 (22.000 binh sỹ).

Mặc dù đạo luật quy định có thể áp dụng ngoại lệ, cắt giảm quy mô quân đồn trú nếu phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, hoặc trong trường hợp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thảo luận đầy đủ với các nước đồng minh.

Tuy nhiên, nội dung đạo luật cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại của lực lượng quân đồn trú tại Hàn Quốc, thể hiện rõ giá trị của quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

Ngoài ra, đạo luật cũng bao gồm điều khoản về siết chặt cấm vận Triều Tiên, đó là trừng phạt tài chính, như "đóng băng" tài sản tại Mỹ đối với các tổ chức tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ cho những cá nhân có dính líu tới chính quyền Bình Nhưỡng.

Trên trang Twitter cá nhân ngày 11/12 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngay lập tức phê chuẩn Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng mang tính lịch sử này.

Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng sẽ được đưa ra biểu quyết tại phiên họp toàn thể của Thượng viện và Hạ viện, và có hiệu lực ngay sau khi Tổng thống Donald Trump phê chuẩn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục