Trong một động thái được nhìn nhận là sẽ mở toang cánh cửa để Tổng thống Barack Obama rộng đường hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các thỏa thuận thương mại khác, ngày 24/6, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua lần cuối dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh.
Với 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có ý nghĩa then chốt đối với nỗ lực của Chính quyền Obama tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại với các nước châu Á này.
Tại cuộc bỏ phiếu ngày 24/6, các Thượng nghị sỹ Cộng hòa vốn chủ trương phê chuẩn TPA đã nhận được sự ủng hộ của 15 Thượng nghị sỹ Dân chủ.
Cùng ngày, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua Điều chỉnh Hỗ trợ Thương mại (TAA), dự luật nhằm gia hạn chương trình hỗ trợ và đào tạo lại các lao động bị mất việc làm vì TPP, vốn trước đó được đính kèm vào gói dự luật về TPA.
TAA giờ đây cần nhận được sự phê chuẩn của Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong ngày 25/6. Quá trình này có lẽ cũng sẽ không mấy khó khăn sau khi Hạ nghị sỹ hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Hạ viện Sander Levin tuyên bố các nghị sỹ Dân chủ trước đó phản đối TAA nay sẽ ủng hộ dự luật.
Do Hạ viện đã thông qua riêng rẽ TPA hôm 19/6, dự luật này sẽ được Quốc hội Mỹ trình Tổng thống Obama ký ban hành. Tuy nhiên, Tổng thống Obama trước đó tuyên bố ông chỉ ký nếu Quốc hội trình cả TPA và TAA.
Việc Thượng viện Mỹ thông qua TPA đã khép lại sáu tuần diễn ra các cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Một khi được ký thành luật, TPA sẽ có hiệu lực tới năm 2021, cho phép Tổng thống Obama và cả vị tổng thống kế nhiệm ông toàn quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác bên ngoài trước khi trình Quốc hội xem xét trong vòng 60 ngày.
Sau khi kết quả được công bố, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã hoan nghênh việc thông qua TPA là “một chiến thắng” của tầng lớp trung lưu.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, đánh giá TPA “là dự luật quan trọng nhất được Thượng viện phê chuẩn trong năm nay.”
TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP. Đây sẽ là một thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Obama, góp phần giải tỏa những hoài nghi của 11 đối tác đang đàm phán TPP.
Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn thấy chính quyền Obama có được TPA trước khi hoàn tất TPP, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017./.