Sau 35 ngày làm việc từ ngày 14/10-12/12, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Malaysia khóa 15 đã thông qua 26 dự luật, gồm cả Dự luật Cung ứng 2025 hay Dự luật Ngân sách 2025 với tổng trị giá 421 tỷ ringgit (94,5 tỷ USD), mức kỷ lục trong lịch sử của Malaysia.
Sau 7 tuần thảo luận ở cấp chính sách và ủy ban với đa số nghị sỹ ủng hộ, Quốc hội đã tiến hành thông qua Dự luật Ngân sách 2025 hôm 3/12.
Đây là ngân sách thứ ba dưới thời Chính quyền Madani (khuôn khổ kinh tế mới hướng đến lợi ích của người dân và trao quyền cho người dân), cũng là ngân sách cuối cùng theo Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (2021-2025) trước khi chuyển sang Kế hoạch Malaysia lần thứ 13 trong 5 năm tiếp theo.
Trong số các dự luật được thông qua có Dự luật Truyền thông và Đa phương tiện (sửa đổi) 2024, Dự luật An toàn Trực tuyến 2024, Dự luật Chia sẻ Dữ liệu 2024, Dự luật Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2024, Dự luật Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) 2024, Dự luật Hội đồng Tham vấn Tiền lương Quốc gia (sửa đổi) 2024 và Dự luật Công nghiệp Dịch vụ Nước (sửa đổi) 2024.
Quốc hội Malaysia cũng thông qua một số dự luật khác, bao gồm Dự luật Sắc lệnh Lao động Sabah (sửa đổi) 2024, Dự luật Sắc lệnh Lao động Sarawak (sửa đổi) 2024, Dự luật Người được ủy thác (sửa đổi) 2024, Dự luật Nghề luật sư (sửa đổi) 2024 và Dự luật Hội đồng Cấp phép xe thương mại (sửa đổi) 2024.
Tuy nhiên, Dự luật Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (sửa đổi) 2024 bị hoãn lại. Bộ trưởng Truyền thông Fahmi Fadzil cho biết dự luật sẽ được chuyển đến Ủy ban Chọn lọc Đặc biệt (JKPK) về cơ sở hạ tầng, giao thông và truyền thông, và JKPK về nhân quyền, bầu cử và cải cách thể chế để xem xét sửa đổi.
Ngoài ra, Dự luật Mufti (Lãnh thổ Liên bang) 2024 cũng bị được hoãn lại sau lần đọc thứ nhất tại kỳ họp này để chờ cân nhắc đọc lần hai tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo.
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Malaysia khóa 15, có hai dự luật mới được đệ trình lần đầu tiên, bao gồm Dự luật Hội đồng Truyền thông Malaysia 2024 nhằm thành lập một cơ quan tự quản lý và Dự luật Bernama (sửa đổi) 2024 nhằm giúp ngành truyền thông trở nên toàn diện hơn. Hai dự luật này cũng sẽ được đệ trình đọc lần thứ hai tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Kỳ họp quốc hội cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong cải cách thể chế khi các chủ tịch JKPK lần đầu được trực tiếp giải trình các ý kiến của ủy ban tương ứng./.
Thủ tướng Malaysia mong muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư ASEAN
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nhấn mạnh Malaysia đã trở thành trung tâm cho các hoạt động kinh doanh của nhiều công ty quốc tế khi các công ty quốc tế lớn đặt trụ sở tại nước này.