Ngày 22/9, Quốc hội Libya đã phê chuẩn danh sách Nội các mới do Thủ tướng Abdullah al-Thani đệ trình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Người phát ngôn của Quốc hội, ông Bohashim Faraj cho biết danh sách mới đã nhận được sự ủng hộ của 110 trong tổng số 112 nghị sỹ.
Nội các mới sẽ gồm 13 thành viên, trong đó có 3 Phó Thủ tướng và 10 Bộ trưởng. Chính phủ mới không có Bộ Dầu mỏ vì lĩnh vực dầu mỏ sẽ do Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia (NOC) quản lý. Ghế Bộ trưởng Quốc phòng cũng bị bỏ trống và Tham mưu trưởng sẽ điều hành quân đội.
Trước đó, ngày 17/9, một bản danh sách nội các gồm 16 thành viên của ông al-Thani đã hai lần bị Quốc hội bác bỏ vì cho rằng quy mô một chính phủ khủng hoảng như vậy là quá lớn.
Ông al-Thani từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, được chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền từ tháng 3 vừa qua, ba năm sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ.
Ngày 1/9, ông đã được Quốc hội mới bầu tái bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ để giải quyết khủng hoảng.
Libya đã rơi vào khủng hoảng từ giữa tháng Bảy, khi đụng độ leo thang tại thủ đô Tripoli và thành phố cảng Benghazi ở miền Đông giữa các liên minh đối địch, khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hàng chục nghìn người nước ngoài phải sơ tán về nước.
Giao tranh ác liệt tại Tripoli khiến Quốc hội mới phải chuyển trụ sở về thị trấn Tobruk gần biên giới với Ai Cập. Trong khi đó, cơ quan lập pháp cũ không chịu từ chức và nhận được sự hậu thuẫn của các tay súng Hồi giáo thuộc nhóm "Bình minh Libya" (Fajr Libya), lực lượng đang chiếm ưu thế tại Tripoli.
Trong một diễn biến liên quan ngày 22/9, Ngoại trưởng 13 quốc gia cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Libya, tuyên bố ủng hộ các nỗ lực nhằm chấm dứt tranh giành quyền lực giữa hai chính phủ đang cùng tồn tại.
Trong tuyên bố chung sau một hội nghị về Libya tại New York (Mỹ) do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì, các Ngoại trưởng khẳng định: "Sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên chấp nhận ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện."
Theo một quan chức Mỹ, Algeria đã nhất trí đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán nhằm "thảo luận một thỏa thuận ngừng bắn."
Một ủy ban chung Liên hợp quốc-Libya cũng đã nhất trí giám sát một thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai.
Trong một diễn biến liên quan, Phái bộ Liên hợp quốc ở Libya (UNSML) cho biết các nhóm đối địch ở nước này đã đồng ý đàm phán vào ngày 29/9 tới. Nếu diễn ra, đây sẽ là vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi bùng phát làn sóng bạo lực làm đất nước bị chia rẽ với sự tồn tại song song hai quốc hội và hai chính phủ./.