Quốc hội Liban thông qua chính phủ mới, quyết tâm vượt khủng hoảng

Theo Thủ tướng Najib Mikati, việc nối lại các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là điều cần thiết để đưa Liban thoát khỏi một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Quốc hội Liban thông qua chính phủ mới, quyết tâm vượt khủng hoảng ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri (giữa, trái, hàng đầu), Tổng thống Michel Aoun (giữa, hàng đầu) và Thủ tướng được chỉ định Najib Mikati (giữa, phải, hàng đầu) chụp ảnh cùng các thành viên nội các mới tại Baabda, ngày 13/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Liban ngày 20/9 đã thông qua nội các mới của Thủ tướng Najib Mikati sau một phiên họp kéo dài 8 giờ.

Sau nhiều giờ nhóm họp nhằm đánh giá kế hoạch hành động của chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri thông báo, 85 nghị sỹ có mặt tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã thông qua nội các mới, trong khi 15 nghị sỹ khác bỏ phiếu chống.

Theo Thủ tướng Najib Mikati, việc nối lại các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là điều cần thiết để đưa Liban thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngoài ra, ông Mikati cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng.

Hôm 10/9, Văn phòng Tổng thống Liban thông báo chính phủ đã được thành lập sau 13 tháng không có nội các trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.

[Quốc hội Liban họp để bỏ phiếu tín nhiệm nội các mới]

Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng được chỉ định Najib Mikati, người có nhiệm vụ đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng.

Liban đã không có nội các từ ngày 10/8/2020 khi Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab từ chức sau các vụ nổ ở cảng Beirut làm trên 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Ông Saad Hariri được bổ nhiệm làm Thủ tướng từ ngày 22/10/2020, nhưng đã không thành lập được nội các mới do những bất đồng với Tổng thống Michel Aoun về danh sách thành viên. Sau đó, ông Najib Mikati được yêu cầu đứng ra thành lập chính phủ.

Liban rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính suốt 2 năm qua và đỉnh điểm là vào tháng Tám vừa qua khi tình trạng thiếu nhiên liệu làm tê liệt hầu hết các khu vực trên cả nước, dẫn đến tình trạng hỗn loạn cũng như nhiều sự cố an ninh.

Đồng nội tệ của Liban mất giá hơn 90%, đẩy hơn một nửa dân số rơi vào cảnh nghèo đói và khiến người gửi tiền không thể tiếp cận tài khoản của họ tại ngân hàng.

Ngân hàng Thế giới (WB) gọi đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.

Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ Liban hàng trăm triệu USD nhưng với điều kiện các chính trị gia nước này phải thành lập nội các để tiến hành cải cách, giải quyết vấn nạn tham nhũng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục