Quốc hội khóa XV: Tạo thuận lợi nhất trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu, đông đảo cử tri cho rằng, với mức đóng bảo hiểm y tế mà sau khi trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ 30% và địa phương hỗ trợ từ 5 đến trên 10% thì "vẫn cao so với thu nhập."
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho học sinh tham gia bảo hiểm y tế

Nêu ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được thông qua tại Kỳ họp này để có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh; qua đó sớm tháo gỡ, giải quyết bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Liên quan đến các chính sách bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên, đại biểu Châu Quỳnh Giao (tỉnh Kiên Giang) đề xuất bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật: “Trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế quy định tại khoản 4, Điều 12, đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật này thì được lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp.”

Dự thảo Luật "mở," cho các học sinh được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc tại nhà trường. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên bằng 4,6% mức lương cơ sở. Trong khi đó, từ ngày 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng, đồng nghĩa mức đóng này tăng.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu, đông đảo cử tri cho rằng, với mức đóng bảo hiểm y tế mà sau khi trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ 30% và địa phương hỗ trợ từ 5 đến trên 10% thì "vẫn cao so với thu nhập."

"Do đó, kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước tối thiểu 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân," đại biểu Châu Quỳnh Dao đề xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (tỉnh Thái Bình) cũng đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo, không để tự lựa chọn hình thức đóng.

"Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại mà chưa tham gia, sẽ tham gia bảo hiểm y tế," đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nêu ý kiến.

Làm rõ quy định chuyển tuyến

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, việc đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu là theo địa giới hành chính. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người dân lại chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên trong khi tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn điều trị và phải thực hiện chuyển tuyến.

Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên, từ đó làm hạn chế quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phức tạp về thủ tục không cần thiết...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan đến tuyến chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm thống nhất trong quản lý bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Khánh Thu (tỉnh Thái Bình) cho rằng, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng một bệnh.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý khám chữa bệnh cho người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị..., giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện.

Do đó, đại biểu đề nghị, giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay, tăng mức hưởng điều trị nội trú ở các tuyến chuyên sâu và không mở phạm vi điều trị ngoại trú; điều chỉnh bổ sung quy định, giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm vào danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến một lần, dùng trọn quá trình điều trị thay vì có thời hạn như hiện nay.

Hỗ trợ tuyến y tế cơ sở phát triển

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát, đánh giá đồng bộ lại hệ thống pháp luật về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; trên cơ sở đảm bảo tương quan chung nhất quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế để tiếp tục hoàn thiện nội dung này.

Đối với điều kiện chuyển tuyến người bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đây là một nội dung rất mới nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân và sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng thể chế hóa các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó nêu điều kiện được khám, chữa bệnh từ xa và các chuyên môn kỹ thuật. Việc sửa đổi luật nhằm đảm bảo khả năng thanh toán cũng như nguồn lực để thực hiện công tác này. "Đây cũng là giải pháp hỗ trợ tuyến y tế cơ sở phát triển," bà Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế đối với điều trị bệnh lác; điều chỉnh thuốc giữa các bệnh viện; thanh toán khám chữa bệnh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục