Quốc hội khóa XV: Tạo thuận lợi hơn nữa trong chính sách thị thực

Các đại biểu nhất trí với việc nâng thời hạn tạm trú và thị thực điện tử cho người nước ngoài là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Căn cước. Bên cạnh đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Phát triển hạ tầng viễn thông

Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc xây dựng dự án Luật là thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời khắc phục những vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông, gây hạn chế quá trình phát triển...

Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp...

Đối với các vấn đề mới cần quy định để thúc đẩy phát triển viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, xu hướng phát triển rất nhanh của viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số với sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện quy định quản lý để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, phổ cập và tiết kiệm năng lượng, hình thành hạ tầng số...

Cần quy định cụ thể tiêu chí thăng hàm cấp Tướng Công an trước thời hạn

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, hồ sơ dự án Luật được xây dựng theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, công an các đơn vị, địa phương và được Chính phủ thống nhất thông qua.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định sỹ quan công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.

[Cần quy định cụ thể tiêu chí thăng hàm cấp Tướng Công an trước hạn]

Về quy định này, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng luật, ban soạn thảo cần xem xét và cân nhắc quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với trường hợp không còn đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. 

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho rằng, cần quy định chặt chẽ, thống nhất trong cách hiểu là, còn ít nhất đủ 36 tháng công tác thay vì "ít nhất 3 năm công tác," tránh nhiều cách hiểu khác nhau.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần quy định rõ tiêu chí việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sỹ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ, các cơ quan liên quan của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo, báo cáo Quốc hội theo đúng quy định.

Tăng cường tích hợp trong thẻ căn cước

Dự án Luật Căn cước nhằm sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung nổi bật trong dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, với nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước,” nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước như Tờ trình của Chính phủ.

Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, cần lưu ý làm rõ thêm về “căn cước điện tử” trong dự thảo Luật, vì căn cước điện tử được giải thích là “tài khoản định danh điện tử”; đồng thời làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn đối với đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam cho phù hợp với tên gọi.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung về "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi cư trú" để quy định bảo đảm thống nhất. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trường thông tin nào bắt buộc, trường thông tin nào cập nhật theo nhu cầu của người dân, trường thông tin nào chỉ áp dụng cho một số đối tượng nhất định...; quy định thông tin về “nhóm máu” và thông tin về “mống mắt, ADN, giọng nói” chỉ được thu thập, cập nhật “khi công dân có yêu cầu”; đối với thông tin về “nghề nghiệp” đề nghị quy định “trừ công an, quân đội và cơ yếu.”

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi vì cho rằng, nhu cầu sử dụng thẻ căn cước của nhóm đối tượng này rất ít.

Tạo thuận lợi trong chính sách thị thực

Cho ý kiến về hai dự án luật về xuất nhập cảnh, các đại biểu nhất trí các quy định của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi) sẽ nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Dự thảo Luật nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.

Làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: TTXVN)

Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú; nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định... để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Các đại biểu nhất trí với việc nâng thời hạn tạm trú và thị thực điện tử cho người nước ngoài là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, qua thời gian cấp thị thực điện tử thí điểm từ giai đoạn năm 2017 đến nay, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử ngày càng tăng... Tuy nhiên, thời hạn thị thực điện tử ngắn nên chưa thu hút được nhiều người nước ngoài. Do vậy, việc Chính phủ đề nghị nâng thời hạn thị thực, tạm trú nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày của khách du lịch quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư,... là rất phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đề nghị mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ... Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn tạm trú lên để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục