Quốc hội khóa XV: Đánh giá tác động mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao; đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), vấn đề được nhiều đại biểu đồng tình và cho ý kiến tại hội trường là về quy định mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp; bổ sung luật sư, giảng viên đại học... là "nguồn" để tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Điều 96 dự thảo Luật quy định rất chặt chẽ các điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Đáng chú ý, khoản 2 điều này đã mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Cụ thể, người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân Tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao khi thuộc một trong những trường hợp: Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức Trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao; Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng: "Nhiều nước trên thế giới đều quy định nội dung này khi tuyển chọn Thẩm phán. Vì nếu tận dụng được nguồn lực này thì sẽ giúp Tòa án nâng cao được chất lượng trong hoạt động xét xử bởi họ có trình độ chuyên sâu, chuyên nghiệp, có trải nghiệm. Tòa án không phải đào tạo mà lại có nguồn nhân lực chất lượng cao."

ttxvn_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_quoc_hoi_thao_luan_ve_du_thao_luat_to_chuc_toa_an_nhan_dan_sua_doi_2805-1.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự thảo Luật đã được chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị.

Đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô; trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.

Quan tâm đến quy định về xây dựng, phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Điều 22 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) chỉ rõ, đây là quy định khác với quy định về cơ sở giáo dục trong pháp luật giáo dục.

Vấn đề này đã được báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu. Dự thảo Luật đã đưa ra mô hình chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục, trong đó có cơ sở giáo dục chất lượng cao; chưa làm rõ tiêu chí được công nhận chất lượng cao.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao, học phí cao đang là mối băn khoăn của nhiều cử tri Hà Nội. Mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao đang triển khai chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội năm học 2023-2024 là từ 5-6,1 triệu đồng/học sinh/tháng (chưa kể các khoản đóng góp khác).

Hiện nay, nhiều trường công có chất lượng đang làm Đề án thành trường chất lượng cao. Nhiều phụ huynh, học sinh rất lo lắng vì học phí cao trong lúc điều kiện gia đình không đảm bảo và bối rối vì chưa biết sẽ chuyển con sang trường học nào.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao; đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập.

ttxvn_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_quoc_hoi_thao_luan_ve_du_thao_luat_to_chuc_toa_an_nhan_dan_sua_doi_2805-2.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Song song với đó, Hà Nội cần tập trung xây những trường chuẩn Quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục phổ thông cả nước và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyện vọng.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội; giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể, phân quyền cho Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định; giao Ủy ban Nhân dân thành phố quy định việc điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý...

Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cho thành phố Hà Nội so với các địa phương khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045," xác định rõ các chính sách đặc thù cần được áp dụng, quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan, trình tự, thủ tục thực hiện để vừa thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố vừa có cơ chế để thực hiện và kiểm soát việc thực thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục