Quốc hội khóa XIV: Thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp

Với 92,75% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành
Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 27/11, với 92,75% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.

Nghị quyết nêu rõ trong những năm qua, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm hành chính, giải quyết các tranh chấp, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý vi phạm hành chính cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, hạn chế oan sai, tạo chuyển biến tích cực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều vụ việc chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế...

[Lấy ý kiến về Đề án tổng kết Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp]

Do vậy Quốc hội quyết nghị, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%.

100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố.

Trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết đến Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền để xem xét việc khởi tố theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc biểu quyết. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đối với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ đạo các Viện Kiểm sát áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát. Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố. Đồng thời, chỉ đạo các Viện Kiểm sát đảm bảo việc ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%.

Bảo đảm các kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại án phải có căn cứ và đúng pháp luật; nâng cao trách nhiệm và tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát ngang cấp trên tổng số kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát; tỷ lệ các kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận đạt trên 70%; tỷ lệ các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đạt trên 75%...

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%. Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử. Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án. Giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Kịp thời sửa chữa, bổ sung bản án; xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật đối với các bản án, quyết định có sai sót khi có kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền...

Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục