Quốc hội khóa XIII kết thúc kỳ họp đặc biệt quan trọng

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc, hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự với việc thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Quốc hội khóa XIII kết thúc kỳ họp đặc biệt quan trọng ảnh 1Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 29/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc, hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự với việc thông qua nhiều nội dung quan trọng trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phiên bế mạc được phát thanh và truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều vị lão thành cách mạng; các đại biểu Quốc hội khóa trước và đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Kỳ họp đặc biệt quan trọng

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức Đảng và từng đảng viên luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật...

Có thể nói, đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Cùng với việc thông qua Hiến pháp, tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Việc ban hành các đạo luật, nhất là Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Sau kỳ họp, Chính phủ, các ngành, các cấp cần khẩn trương tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để pháp luật sớm đi vào cuộc sống.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan có các biện pháp hữu hiệu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; các cơ quan của Quốc hội tập trung giám sát việc thi hành pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan.

Quốc hội đã thông qua nhiều Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016; Nghị quyết về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm...

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan có kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết vừa được thông qua, bảo đảm để các quyết định quan trọng của Quốc hội được triển khai đồng bộ, toàn diện và có kết quả trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, bầu bổ sung một số chức danh các cơ quan của Quốc hội, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao trước nhân dân và với những đóng góp tích cực, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng đồng bào và cử tri cả nước.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; Nghị quyết về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

Với 93,58% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11.

Theo Nghị quyết, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 3.183km, trong đó tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe. Theo phân kỳ đầu tư, đến năm 2020, các đơn vị liên quan hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.

Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 38/2004/QH11, phù hợp với những nội dung đã được điều chỉnh trong Nghị quyết.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án. Ủy ban Tthường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân đã được đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ 95,58%.

Nghị quyết giao Chính phủ bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Nghị quyết cũng đề nghị Chính phủ trước năm 2018 hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế-xã hội; chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường năng lực quản lý nhà nước và giám định bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm y tế... Định kỳ 2 năm một lần, Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với Quốc hội.

Đồng thời, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp cần đưa chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, triển khai các biện pháp để mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, kiểm soát sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế tại địa phương.

Đề ra các giải pháp hiệu quả thực hiện lời hứa với cử tri

Với 93,98% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, khẩn trương trả lời 2.268 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 6; tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp trước, tập trung vào những nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa đạt được với các giải pháp căn cơ, có hiệu quả và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành đã cam kết và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ nay đến năm 2015 huy động mọi nguồn lực để phục hồi tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi để có kế hoạch đầu tư, gia cố, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, báo cáo kết quả thực hiện rà soát với Quốc hội vào cuối năm 2014.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ nay đến hết năm 2014, hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách về tiền lương, phụ cấp công vụ, cử tuyển đối với cán bộ, công chức cơ sở, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, người nghỉ hưu. Đồng thời, Bộ triển khai đồng bộ chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, theo hướng xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông; t ăng cường quản lý nhà nước về báo chí, bảo đảm báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đề cao trách nhiệm của Tổng biên tập, cơ quan chủ quản báo chí và phóng viên, biên tập viên.

Bộ cũng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an xây dựng và triển khai thực hiện đề án bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng; có các giải pháp hiệu quả bảo đảm an ninh, an toàn thông tin quốc gia. Đến năm 2015, hoàn thành việc rà soát quy hoạch tổng thể hạ tầng viễn thông; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không lành mạnh; tăng cường kiểm tra, xử lý sim rác, tin nhắn rác, quảng cáo rác, trò chơi điện tử không lành mạnh, blog cá nhân có nội dung độc hại...

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ tòa án; nâng cao chất lượng xét xử ở tất cả các cấp, bảo đảm phán quyết của Tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hàng năm tăng khoảng 5% số vụ xét xử có tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện tốt công tác giám đốc, kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự đã xét xử trong trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức án tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình, có đơn kêu oan kéo dài nhằm phát hiện án oan, sai để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành với 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục