Ngày 22/1, tại thủ đô Kathmandu, Hội đồng Lập hiến (Quốc hội- CA) khóa mới của Nepal chính thức họp phiên đầu tiên, giải tỏa bế tắc chính trị tại quốc gia Nam Á này sau gần một tháng CA không thể triệu tập họp so với kế hoạch do sự tẩy chay và đe dọa biểu tình đường phố của Đảng Cộng sản Thống nhất Nepal (CPN-M).
Trước đó, ngày 21/1, các thành viên mới được bầu của CA đã tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức và cam kết soạn thảo bản hiến pháp mới trong thời gian một năm nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị tại quốc gia nghèo khó vùng Himalaya này.
Có 575 tân nghị sỹ được bầu trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 19/11 năm ngoái đã tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Chủ tịch CA Surya Bahadur Thapa.
Trước đó một ngày, ông Bahadur Thapa cũng đã tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Ram Baran Yadav.
Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch Đảng Đại hội Nepal (NC) Sushil Koirala, đồng thời là Thủ tướng tương lai, cho biết ưu tiên hàng đầu của CA sẽ là soạn thảo bản hiến pháp mới trên cơ sở đồng thuận của các chính đảng.
Việc soạn thảo bản dự thảo hiến pháp mới đã phải tạm ngừng sau khi CA khóa trước tuyên bố giải thể ngày 27/5/2013. Ông Koirala cũng nói rằng trường hợp không đạt được sự thống nhất, bất đồng sẽ được giải quyết thông qua bỏ phiếu hoặc trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, những bất đồng giữa NC và đảng Cộng sản Maxist-Leninist Thống nhất Nepal (CPN-UML), hai đảng lớn nhất nước này, đang đặt ra nhiều thách thức trong việc thành lập một chính phủ liên minh trong tương lai.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, NC theo đường lối trung lập dẫn đầu với 196 ghế và đảng Cộng sản Nepal Marxist-Leninist Thống nhất (CPN-ULM) đứng thứ hai với 175 ghế. Đảng CPN-M đứng thứ ba, giành 80 ghế trong tổng số 601 ghế. Chính phủ mới dự kiến do đảng NC đứng đầu, sẽ cử thêm 26 thành viên tham gia Quốc hội./.