Quốc hội Iraq không đồng thuận về luật bầu cử

Quốc hội Iraq không đạt được thỏa thuận về luật bầu cử mới, gây quan ngại cuộc bầu cử quốc hội sẽ bị trì hoãn quá thời hạn quy định.

Quốc hội Iraq ngày 22/11 đã không đạt được thỏa thuận về luật bầu cử mới, làm gia tăng quan ngại cuộc bầu cử quốc hội nước này sẽ bị trì hoãn quá thời hạn quy định của hiến pháp và ảnh hưởng đến kế hoạch rút quân của Mỹ.

Chỉ còn hai ngày để Quốc hội Iraq tháo gỡ bế tắc sau khi Phó Tổng thống Tareq al-Hashemi phủ quyết luật bầu cử hôm 18/11, vì đạo luật này cần phải được thông qua 60 ngày trước bầu cử và ngày 23/1/2010 được xem là thời hạn cuối cùng để tiến hành bầu cử.

Nếu không tìm ra được giải pháp nào, Iraq có thể phải hoãn bầu cử thêm một tháng cho đến khi kết thúc lễ hội tôn giáo Arbain của người Shitte chiếm đa số ở Iraq.

Giới ngoại giao phương Tây và các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo sự trì hoãn này là trái với hiến pháp, vốn qui định cuộc bầu cử quốc hội nhiệm kỳ tới phải được tiến hành trước ngày 31/1.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Iraq Khalid al-Attiya bày tỏ hy vọng sẽ có giải pháp khả thi trong ngày 23/11.

Theo ông, mặc dù các nghị sĩ chưa đi đến thỏa thuận nào, nhưng đã có những ý tưởng được đưa ra và hy vọng các bên sẽ thống nhất về một kế hoạch cụ thể trong ngày 23/11.

Ngày 18/11, Phó Tổng thống Iraq Hashemi thuộc cộng đồng người Sunni thiểu số đã phủ quyết luật bầu cử mới vì cho rằng 15% trong tổng số 323 ghế trong quốc hội nhiệm kỳ tới phải thuộc về các cộng đồng thiểu số, so với tỷ lệ 5% như hiện nay.

Ngay trước đó, ngày 17/11, cộng đồng người Kurd ở Iraq dọa tẩy chay cuộc bầu cử do bất mãn về cách phân chia số ghế theo luật mới.

Một số quan chức phương Tây và Iraq cho rằng trì hoãn bầu cử trong một thời gian ngắn sẽ cho phép giới chức bầu cử có thêm thời gian chuẩn bị.

Tuy nhiên, nếu trì hoãn lâu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của lực lượng Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự vào ngày 31/8/2010, vì các tư lệnh Mỹ muốn duy trì quân số lớn tại Iraq cho đến khi chính phủ nhiệm kỳ tới ở nước này được thành lập và tình hình an ninh khả quan.

Cuộc bầu cử sắp tới được xem là một bước ngoặt đối với Iraq trong tiến trình thoát khỏi tình trạng xung đột bạo lực giữa các phe phái.

Giới phân tích nhận xét bế tắc xung quanh luật bầu cử phản án sự hoài nghi của người Sunni đối với chính phủ của người Shitte, vốn bị đè nén dưới Chính quyền Saddam Hussein của người Sunni.

Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Iraq ngày 22/11 cho phát trên truyền hình đoạn băng ghi hình, trong đó 3 nghi can vụ khủng bố ở Baghdad ngày 25/10 làm hơn 150 người thiệt mạng thú nhận là các thành viên đảng Baath của Chính quyền Saddam Hussein.

Chính phủ Iraq cũng khẳng định 3 đối tượng trên đến từ Syria, nhưng Baghdad không cáo buộc Damas dính líu đến vụ khủng bố trên.

Động thái trên được cho là có nguy cơ khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa người Shitte và người Sunni, khiến cho tương lai hòa giải giữa hai cộng đồng này, được coi là yếu tố mấu chốt quyết định sự ổn định ở Iraq, càng trở nên xa vời./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục