Quốc hội góp ý dự thảo Luật Trọng tài thương mại

Quốc hội tán thành cần ban hành Luật này để tạo điều kiện giải quyết tranh chấp thương mại nhanh, đơn giản, bảo đảm bí mật kinh doanh.


Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 25/11, Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Trọng tài thương mại, tập trung vào các quy định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quản lý nhà nước về trọng tài, tiêu chuẩn của trọng tài viên.

Các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình của Hội Luật gia Việt Nam và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Trọng tài thương mại để tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp thương mại một cách nhanh chóng, đơn giản và bảo đảm bí mật kinh doanh, góp phần tạo sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, các thương nhân nước ngoài.

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, Luật cũng hướng tới việc mở rộng các hình thức giải quyết tranh chấp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các quan hệ khác và khuyến khích các bên lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc cơ bản là thỏa thuận và hòa giải.

Góp ý kiến vào quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên, các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh ở Hà Nội, Lê Văn Tâm ở Cần Thơ cho rằng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của trọng tài viên phải được đặc biệt quan tâm.

Theo hai đại biểu trên, ngoài tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, ngoại ngữ, trọng tài viên phải có trình độ cử nhân luật trở lên hoặc công tác trong các ngành tư pháp, bảo vệ pháp luật bốn năm trở lên, đã có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng về luật để tránh xảy ra sai sót về thủ tục tố tụng trọng tài khi giải quyết tranh chấp, nhất là các tranh chấp về thương mại có yếu tố nước ngoài.

Các đại biểu Nguyễn Văn Luật, tỉnh Kiên Giang; Nguyễn Đăng Trừng, Thành phố Hồ Chí Minh; Chu Sơn Hà ở Hà Nội và một số đại biểu khác cho rằng nguyên tắc cơ bản của trọng tài thương mại là thỏa thuận và hòa giải, do đó cần xác định vị trí pháp lý của trọng tài viên và Hội đồng trọng tài trong hệ thống pháp luật.

Nhiều ý kiến đề nghị quy định Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu cơ quan Tòa án các cấp thực hiện các biện pháp ngăn chặn tạm thời, đồng thời bổ sung những nội dung cụ thể để bảo đảm các biện pháp đó được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Một số đại biểu cũng cho rằng chỉ khi có cơ chế hỗ trợ tích cực của hệ thống tư pháp, những phán quyết của trọng tài mới được thực hiện nghiêm túc. Bởi lẽ trên thực tế, ngay cả khi có phán quyết của tòa án các cấp, việc thi hành án trong nhiều trường hợp cũng rất khó khăn, có khi mất hàng năm trời.

Đồng tình với quy định mở rộng phạm vi vụ việc được thụ lý của trọng tài được quy định trong dự thảo Luật, các đại biểu Vũ Tiến Lộc, tỉnh Thái Bình; Nguyễn Thị Thu Hà, tỉnh Gia Lai cũng cho rằng khái niệm “thương mại” được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm thương mại hàng hóa, đầu tư, dịch vụ và sở hữu trí tuệ; kể cả những tranh chấp về bất động sản trong quan hệ kinh tế.

Các đại biểu đề nghị mở rộng thẩm quyền của trọng tài giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự.

Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị có một số điều riêng trong Luật quy định đầy đủ và cụ thể hơn về các vấn đề có yếu tố nước ngoài như trọng tài viên nước ngoài; các bên tranh chấp, địa điểm xảy ra tranh chấp, địa điểm giải quyết tranh chấp... có yếu tố nước ngoài.

Một số ý kiến cho rằng do chưa có chế tài xử lý thích đáng hành vi khởi kiện sai, nên nhiều khi bên bị phán quyết tùy tiện khởi kiện tại tòa án, cố tình kéo dài thời gian thực hiện phán quyết trọng tài và đề nghị có quy định về hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Chi nhánh, văn phòng, đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cần tuân theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục