Quốc hội giám sát việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan thống nhất và cùng chia sẻ với tỉnh Ninh Thuận về những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải trong triển khai Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ.
Quốc hội giám sát việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác khảo sát thực tế địa điểm xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 13/4, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Đoàn công tác của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội về việc dừng chủ trương thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Dự buổi làm việc có lãnh đạo các Ban thuộc Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương có liên quan và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, tỉnh được Quốc hội thông qua đầu tư xây dựng 2 máy điện hạt nhân tại Nghị quyết số 41/2009/QH12.

Từ khi công bố quy hoạch các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến khi dừng triển khai xây dựng theo Nghị quyết 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, cả về định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan cùng triển khai thực hiện.

Để hỗ trợ cho tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ để tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.

Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành các Nghị quyết, chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ.

Tỉnh đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 30 nhiệm vụ cụ thể tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt để tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc cả về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, Nghị quyết 115 của Chính phủ ban hành đã giúp tỉnh biến những khó khăn, thách thức ở địa phương thành tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược đã đến tỉnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá như cảng biển, du lịch, công nghiệp, hạ tầng đô thị... góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Việc triển khai Nghị quyết 115 của Chính phủ bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi...

Cụ thể, trong 3 năm qua tỉnh Ninh Thuận thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (năm 2019 đạt 13,9%, năm 2020 đạt hơn 10%; năm 2021 đạt 9% và đứng thứ 4 cả nước), góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra và thu ngân sách về đích trước ba năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bô tỉnh, tạo tiền đề để tỉnh tự chủ ngân sách trong thời gian tới.

Quốc hội giám sát việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ảnh 2Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ đã phát sinh một số vướng mắc về thể chế từ Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, chuyển đổi đất rừng, quy hoạch titan, thủ tục đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo nên nhiều cơ chế, chính sách chưa được thụ hưởng.

Cụ thể, tỉnh còn 4.345ha đất tại khu vực có titan chưa đưa ra khỏi quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến để triển khai các dự án năng lượng tái tạo phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; chính sách áp dụng cho vay lại 10% đối với các dự án ODA quan trọng, cấp bách chưa được thụ hưởng, chưa hỗ trợ 100% vốn đối ứng các dự án ODA phần cấp phát; ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ vốn đầu tư các dự án quan trọng cấp bách của tỉnh do chính sách này ban hành sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh.

[Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Chủ trương, quyết sách đúng đắn]

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như quy định đối với các tỉnh Tây Nguyên chưa được bố trí vốn thực hiện; đề án, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân chưa triển khai nên đời sống của một bộ phận người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, kéo dài, có lúc, có việc còn bức xúc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan cũng thống nhất và cùng chia sẻ với tỉnh Ninh Thuận về những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải trong triển khai Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ.

Thực tế, Nghị quyết 31 của Quốc hội đã ban hành từ năm 2016 nhưng đến năm 2018 Nghị quyết 115 của Chính phủ mới ban hành. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho tỉnh Ninh Thuận trong triển khai, bởi chỉ còn hơn 1 năm nữa là Nghị quyết 115 hết thời hạn. Trong khi đó, nhiều việc liên quan đến triển khai các Nghị quyết chưa giải quyết rốt ráo.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, bày tỏ mặc dù tốc độ phát triển của tỉnh có đạt và vượt nhưng đó là chưa bền vững. Bởi kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là người dân vùng dự án.

Quốc hội giám sát việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét, nhanh chóng giải quyết những kiến nghị của tỉnh về cơ chế, chính sách đang vướng tại Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ. Qua đó để giúp tỉnh có điều kiện đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định kể từ khi có chủ trương dừng thực hiện dự án, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sức hút mạnh mẽ cho các dòng vốn đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh. Điều đó được thể hiện rõ nét qua báo cáo kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại hai vùng dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho thấy đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn.

Việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống người dân trong khu vực quy hoạch tại vùng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 chưa hoàn thành; một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chưa được triển khai, người dân chưa thể thực hiện một số quyền liên quan đến đất đai để ổn định sản xuất...

Đây là vấn đề quan trọng, cần thấy rõ trách nhiệm của Trung ương, của tỉnh chưa cố gắng tập trung giải quyết trong thời gian qua, để tồn tại trong thời gian dài.

Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Nghị quyết 115 của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 31 của Quốc hội chỉ có thời hạn đến năm 2023, trong khi vẫn còn một số cơ chế, chính sách chưa được triển khai thực hiện.

Vì vậy Chính phủ cần tổng kết, đánh giá Nghị quyết 115 và có phương án giải quyết đối với các cơ chế, chính sách chưa thực hiện và theo đề nghị của tỉnh được kéo dài đến năm 2025. Trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.

Đối với các cơ chế, chính sách đã đề ra và đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành thì cần đẩy nhanh tiến độ để sớm phát huy hiệu quả; các cơ chế, chính sách chưa triển khai thì cần nhanh chóng triển khai đến các đối tượng thụ hưởng và các cơ chế, chính sách nếu hoàn thành cần rà soát, đánh giá để tiếp tục kéo dài hoặc chấm dứt.

Trước mắt, ưu tiên cao nhất vẫn là giúp người dân ổn định cuộc sống; Chính phủ cần quan tâm đến cơ chế, chính sách chưa triển khai thực hiện như hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; áp dụng tỷ lệ cho vay lại và bố trí 100% vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương cho các dự án ODA và các dự án cấp thiết...; đồng thời xem xét các đề xuất của tỉnh về đầu tư dự án đường dây 500kV Ninh Sơn-Chơn Thành theo hình thức PPP hiện đã được hoàn thiện cơ sở pháp lý sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, trong đó có Luật Điện lực tại kỳ họp thứ 2 vừa qua.

Quốc hội giám sát việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ảnh 4Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tặng quà cho các gia đình chính sách ở địa phương vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chủ động phát huy lợi thế về tốc độ phát triển, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa và thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh cần làm tốt công tác tư tưởng cho nhân dân, nhất là người dân vùng dừng chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân; tập trung giải quyết các vướng mắc, sớm tháo gỡ khó khăn để người dân tiếp cận các cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự ủng hộ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ..., Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ sớm khắc phục khó khăn, thách thức, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại vùng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; đồng thời thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại địa phương.

Đoàn cũng đã đến khảo sát thực tế địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná; cảng tổng hợp Cà Ná; tham quan dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp đường dây và trạm biến áp 500 kV Thuận Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục