Quốc hội Đức thông qua Luật Chuỗi cung ứng từng gây tranh cãi

Theo Luật Chuỗi cung ứng, đối tác của các công ty phải chấm dứt tình trạng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện khốn khổ và hủy hoại môi trường trong quá trình sản xuất.
Quốc hội Đức thông qua Luật Chuỗi cung ứng từng gây tranh cãi ảnh 1Bên ngoài tòa nhà Quốc hội Đức. (Nguồn: ecotextile.com)

Luật Chuỗi cung ứng đã được Quốc hội Đức thông qua ngày 11/6, theo đó các tập đoàn và công ty của Đức sẽ phải nghiên cứu kỹ về các nhà cung ứng toàn cầu liên quan khía cạnh lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, cũng như ảnh hưởng tới môi trường.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Luật Chuỗi cung ứng từ lâu đã gây tranh cãi ở Đức.

Trong cuộc thảo luận cuối cùng ở quốc hội, các nghị sỹ đảng Xanh thông báo bỏ phiếu ủng hộ dự luật của chính phủ đại liên minh giữa Liên đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Các đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) phản đối dự luật này, trong khi đảng Cánh tả bỏ phiếu trắng.

[Quốc hội Đức thông qua luật phòng chống dịch bệnh mới]

Với Luật Chuỗi cung ứng, trước mắt, các công ty lớn hơn sẽ phải có trách nhiệm về điều kiện lao động tại các cơ sở sản xuất của các đối tác của họ.

Theo đó, các cơ sở này buộc phải chấm dứt tình trạng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện khốn khổ và hủy hoại môi trường trong quá trình sản xuất.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2023, luật áp dụng với các công ty có trên 3.000 nhân viên (gồm 925 công ty) và từ ngày 1/1/2024, luật này sẽ được mở rộng diện áp dụng với các công ty có trên 1.000 nhân viên (khoảng 4.800 công ty).

Phát biểu tại quốc hội, Bộ trưởng Lao động LB Đức Hubertus Heil nhấn mạnh Luật Chuỗi cung ứng đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng cho các công ty, nhấn mạnh rằng giới chức chính trị phải có hành động chống lại tình trạng lao động trẻ em.

Theo Bộ trưởng Viện trợ phát triển Gerd Müller, luật ra đời nhằm chống lại sức ép từ các hoạt động vận động hành lang, dẫn tới nguy cơ bỏ qua các quy định về lao động trẻ em và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, với Luật Chuỗi cung ứng, các công ty được miễn trách nhiệm dân sự, trong khi các công ty vi phạm hoặc bị phát hiện có trẻ em lao động hay gây hại môi trường trong chuỗi cung ứng sẽ bị phạt rất nặng, tới 2% doanh thu hằng năm.

Nghĩa vụ mà các công ty phải đảm bảo mở rộng đến lĩnh vực kinh doanh của chính công ty, cũng như các nhà cung cấp trực tiếp, trong khi các nhà cung cấp gián tiếp cũng có thể bị yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ ngay khi bị phát hiện có các vi phạm liên quan.

Bà Franziska Humbert - chuyên gia của Oxfam về kinh tế và nhân quyền - cho rằng việc Quốc hội Đức thông qua luật chuỗi cung ứng là một thành công vì quyền con người trong kinh doanh cuối cùng cũng được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, luật lại không yêu cầu bồi thường thiệt hại mà các lao động có thể khởi kiện các công ty lên các tòa án Đức về những thiệt hại mà họ phải gánh chịu.

Các nghị sỹ AfD chỉ trích rằng các đối thủ cạnh tranh của các công ty Đức là "những người chiến thắng" với luật mới này, trong khi các nghị sỹ đảng Cánh tả cho rằng việc thiếu trách nhiệm dân sự cho thấy luật pháp "quá yếu" và sẽ có quá ít công ty phải chịu trách nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục