Quốc hội Đức thông qua các quy định hạn chế mới đối với người xin tị nạn

Bộ trưởng Nội vụ Đức khẳng định quy định mới là cơ sở để Đức đẩy nhanh việc hồi hương những người không được cấp quy chế tị nạn, giải phóng nguồn lực để phục vụ những người cần nơi tạm trú nhất.

Cảnh sát Đức áp giải nhóm người di cư tại khu vực Forst ở biên giới với Ba Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Đức áp giải nhóm người di cư tại khu vực Forst ở biên giới với Ba Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/1, Quốc hội Đức đã thông qua các quy định hạn chế mới đối với người xin tị nạn, hợp thức hóa quy trình trục xuất trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng người xin tị nạn gia tăng mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser khẳng định quy định mới là cơ sở để Đức đẩy nhanh việc hồi hương những người không được cấp quy chế tị nạn, giải phóng nguồn lực để phục vụ những người cần nơi tạm trú nhất.

Quy định mới, với các biện pháp cứng rắn, trao thêm quyền hạn cho cảnh sát trong việc truy tìm người được yêu cầu rời khỏi Đức và xác định danh tính người di cư.

Quy định cũng tăng thời gian tối đa giam giữ người tị nạn trước khi trục xuất từ 10 ngày hiện nay lên 28 ngày nhằm tạo điều kiện cho cơ quan chức năng có thêm thời gian thực hiện trục xuất.

Chính phủ Đức ước tính mỗi năm nước này sẽ có thêm 600 trường hợp bị trục xuất sau khi thực hiện quy định mới.

Bộ trưởng Nancy Faeser cho biết trong năm 2023, với việc thực hiện chặt chẽ hơn chính sách hiện tại, Đức đã tăng 27% số yêu cầu trục xuất, đưa số lượng người xin tị nạn phải hồi hương lên 16.430 người.

Lượng người di cư - chủ yếu từ Syria và Afghanistan - đến Đức tăng cao trong những tháng gần đây đã gây sức ép đối với chính quyền địa phương và làm dấy lên tranh luận gay gắt về nhập cư ở quốc gia châu Âu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục