Ngày 28/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc các nước phương Tây vận chuyển vũ khí cho Ukraine gây nguy hiểm cho an ninh toàn châu Âu.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Peskov nhấn mạnh xu hướng "bơm" vũ khí, trong đó có vũ khí hạng nặng, vào Ukraine là hành động đe dọa đến an ninh của toàn châu Âu, kích động bất ổn tại khu vực này.
Tuyên bố của ông Peskov nhằm phản ứng với phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Anh Liz Truss, trong đó kêu gọi các đồng minh tăng cường sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine.
Cùng ngày, với sự ủng hộ của liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng như liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), Quốc hội Đức ngày 28/4 đã phê chuẩn nghị quyết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
[Các nước châu Âu tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine]
Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Wolfgang Kubicki cho biết nghị quyết trên được thông qua với 586 phiếu ủng hộ, 100 phiếu chống và 7 phiếu trắng.
Trước đó, các nghị sỹ đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và đảng Cánh tả tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống nghị quyết trên. Động thái trên của Quốc hội Đức sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ liên bang Đức vận chuyển các loại vũ khí và hệ thống phức hợp "hiệu quả và hạng nặng" cho Ukraine.
Việc xuất khẩu vũ khí cũng sẽ được thảo luận và trao đổi chặt chẽ với các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phản ứng trước kết quả trên, Chủ tịch AfD Tino Chrupalla cho rằng chính phủ đã biến Đức trở thành một bên tham chiến trong một cuộc chiến tranh hạt nhân có khả năng xảy ra. Theo ông, Chính phủ Đức lúc này phải hy vọng rằng các kênh ngoại giao cuối cùng với Moskva không bị phá vỡ./.