Quốc hội đề nghị đẩy nhanh triển khai ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các đề án thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lo ngại còn xảy ra một số trường hợp sử dụng nhục hình trong giai đoạn điều tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các đề án thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong phiên làm việc sáng 21/11, của Quốc hội.

Tình hình tội phạm ngày càng gia tăng

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng là nhận định chung của Chính phủ và Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay, 21/11.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay năm 2023, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp.

Về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%. Bên cạnh đó, tình hình người Việt Nam phạm tội, vi phạm pháp luật ở nước ngoài vẫn còn phức tạp.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thời gian tới Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Bên cạnh đó là việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước…

Trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh năm 2023, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra. Hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: Số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%... Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.

Công tác phòng ngừa tội phạm còn hạn chế

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế.

Cụ thể như số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở. Xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận. Tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ, nhưng số người bị thương lại gia tăng.

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, năm 2023, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Diễn biến tội phạm ma túy hết sức phức tạp. Tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Về công tác điều tra, xử lý tội phạm, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, nhiều nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 85,58% chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao; chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ; số đối tượng truy nã mặc dù giảm 18,64%, nhưng vẫn còn số lượng rất lớn (7.822), trong đó số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm là 3.988 đối tượng; vẫn để xảy ra một số trường hợp dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra.

Trước tình trạng gia tăng mạnh của một số loại tội phạm và dự báo tình hình kinh tế, xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan cần đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa và xử lý hiệu quả tội phạm; tập trung công tác rà soát, phân loại, khẩn trương giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, trong đó, tập trung xử lý những vụ đã hết hoặc gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn tồn đọng do lỗi chủ quan, không để xảy ra tạm đình chỉ không đúng pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các đề án thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can thống nhất trên phạm vi toàn quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục