Quốc hội: Đảm bảo hệ sinh thái khi triển khai dự án hồ Ka Pét

Về dự án hồ Ka Pét, đa số đại biểu nhất trí cho rằng dự án đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 này
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 12/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Các đại biểu cho rằng đây là dự án thực sự cần thiết với tỉnh Bình Thuận, bởi huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên chịu khô hạn, khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân trong huyện.

Việc xây dựng hồ sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước sông Ka Pet để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Hàm Thuận Nam, tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Do dự án có sử dụng 162,55ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông nên căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp thì Dự án Hồ chứa nước Ka Pét thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác.

[Bình Thuận có 23 hồ chứa nước xuống cấp nặng cần tu sửa]

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi tuy là 162,55ha, chỉ chiếm 0,6% diện tích lâm phần nhưng thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn, chất lượng lượng rừng khu vực này ở mức trung bình, không phải là nơi sinh sống thường xuyên của loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Khu vực sẽ là lòng hồ trong tương lai không có dân cư sinh sống (không phải di dân tái định cư), không có tài nguyên khoáng sản, di tích lịch sử văn hóa và công trình kiến trúc phải bảo vệ, bảo tồn.

Ba khu vực dự kiến trồng rừng thay thế đều là diện tích đất trống nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp của tỉnh, không có tranh chấp, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dự án.

Tuy nhiên, nêu ý kiến về vấn đề trồng rừng thay thế phần rừng phải phá bỏ do dự án hồ Ka Pét, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, đáng lưu ý là trong dự án có diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi là 162,55ha.

"Chỉ qua khảo sát một mô tiêu chuẩn trong dự án đã có 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và hai họ khác nhau; trong đó có hai loài trong danh mục Sách đỏ quý hiếm; tám loài thuộc loại thực vật quý hiếm IA,... Trong khi đó, phương án trồng rừng thay thế bằng phương thức trồng rừng hỗn giao gồm cây keo lai, bạch đàn,... Nên tôi đề nghị cần nghiên cứu kỹ lại phương án trồng rừng thay thế này bởi lẽ, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có mật độ cây dày, với thảm thực vật đa dạng, phong phú, nếu thay thế bằng những loại cây như keo lai, bạch đàn có nguy cơ không đảm bảo yêu cầu về hệ sinh thái" - Đại biểu kiến nghị.

Trả lời các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng địa điểm của dự án đã được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng; xác định các giải pháp khả thi nhất, trong đó có tính diện tích rừng phải chuyển đổi.

"Về giá trị của rừng đặc dụng bị mất do triển khai dự án, thì diện tích này thuộc phân khu phục hồi sinh thái, chủ yếu là rừng phục hồi, chứ không phải rừng giàu, không có loại động vật hoang dã, quý hiếm. Gỗ ở đây hầu hết ở nhóm 8, với đường kính nhỏ. Diện tích này đã được tính toán, và sẽ tạo môi trường tốt cho hạ du, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái" - Bộ trưởng cho biết.

Về dự án hồ Ka Pét, đa số đại biểu nhất trí cho rằng dự án đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục