"Quốc hội đã phát huy cao vai trò, chức năng lập pháp và giám sát"

Nhìn lại hơn một tháng diễn ra Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu bày tỏ sự hài lòng với kỳ họp này và cho rằng, Quốc hội đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm của mình.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhìn lại hơn một tháng diễn ra Kỳ họp thứ 8, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự hài lòng với kỳ họp này.

Các đại biểu cho rằng, Quốc hội đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là đối với các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tăng tính chủ động trong hoạt động lập pháp

Là một trong những đại biểu đưa ra nhiều ý kiến trong các phiên thảo luận về các dự luật, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đánh giá Kỳ họp thứ 8 có số lượng dự án luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện sự đổi mới trong hoạt động lập pháp.

Lấy ví dụ như việc thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, đại biểu Phan Văn Quý cho rằng việc thông qua Luật này đã điều chỉnh, sửa đổi một loạt các nội dung quan trọng ở các luật thuế hiện hành, như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi quy định về một số khoản thu nhập của doanh nghiệp, khoản chi cũng như thuế suất, các ưu đãi về thuế đối với một số lĩnh vực đầu tư, kinh doanh), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa quy định về chính sách thuế đối với một số sản phẩm như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc)...

Đại biểu Phan Văn Quý cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế có hiệu lực ngay trong đầu năm 2015, sẽ tạo điều kiện nhanh chóng đưa luật này vào cuộc sống và phát huy tính tích cực của luật. Luật sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút được đầu tư; củng cố niềm tin cho thị trường và xã hội.

“Những quyết sách mang tính đột phá này sẽ tháo gỡ những khó khăn tiềm tàng và hiện hữu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ,” đại biểu Phan Văn Quý nhận định.


Nêu cao trách nhiệm giám sát tối cao

Nhiều đại biểu đồng tình nhận định, một trong những dấu ấn của Kỳ họp thứ 8 này là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, thể hiện rõ nét qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn và hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, hoạt động chất vấn luôn là một trong những hoạt động sôi động, đem lại nhiều thông tin và được cử tri quan tâm nhất. Trong Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội đã chất vấn 4 Bộ trưởng: Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với nhiều vấn đề “nóng”, xã hội đang rất quan tâm. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đăng đàn làm rõ các thông tin cử tri quan tâm và trả lời chất vấn trực tiếp một số câu hỏi.

“Có thể nói, đây là kỳ chất vấn có chất lượng tốt nhất trong mấy kỳ họp gần đây. Câu trả lời của Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng đã đi vào bản chất của vấn đề được đặt ra, thể hiện ý thức trách nhiệm từ các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ,” đại biểu Phan Văn Quý đánh giá.

Theo đại biểu Phan Văn Quý, điểm mới trong kỳ chất vấn này là việc cả người chất vấn được chất vấn đều thẳng thắn, không né tránh những vấn đề “nóng”, đang nổi cộm trong lĩnh vực cần chất vấn. Cụ thể, đối với Bộ Công Thương là vấn đề buôn lậu, hàng gian, hàng giả.

Bộ Giao thông Vận tải là vấn đề đội giá ở những công trình, dự án giao thông, vấn đề an toàn giao thông và vấn đề xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên hay vấn đề tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội... Qua trả lời chất vấn, các giải đáp đều rất thoả đáng, đã chứng minh được các “Tư lệnh ngành” đã nắm chắc những vấn đề thuộc chức trách được giao.

Đại biểu Phan Văn Quý cũng cho rằng, các thành viên Chính phủ không chỉ hứa và nhận trách nhiệm, mà quan trọng hơn là đã đưa ra được các giải pháp có tính khả thi cao và lộ trình thực hiện rõ ràng, có sức lan tỏa lớn.

Đại biểu dẫn chứng, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng đưa ra các giải pháp về phòng, chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, thì ở một số tỉnh biên giới đã có ý kiến đề xuất có thể đình chỉ chức vụ của lãnh đạo cơ quan chức năng để xảy ra tình trạng buôn lậu. Tương tự như vậy, giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đưa ra rất khoa học và khả thi, khiến các đại biểu Quốc hội và cử tri tin tưởng rằng, Bộ trưởng nói được sẽ làm được.

Có cùng quan điểm, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giải toả được hoài nghi của cử tri bấy lâu này là, suất đầu tư 1km đường của chúng ta hiện nay là rất cao, thậm chí có những đoạn đường có giá cao “nhất hành tinh” như đoạn đường Ô chợ Dừa-Hoàng Cầu, thực tế chi phí xây dựng đường cũng tương đương các con đường khác, phần đội giá lại là kinh phí giải phóng mặt bằng (chiếm 85% tổng mức đầu tư).

Còn theo đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An), mặc dù là nội dung không mới và đã trải qua 3 kỳ họp, nhưng hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá rất cao của cử tri cả nước; khẳng định vai trò, vị thế giám sát tối cao của Quốc hội - thay mặt cử tri cả nước thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những chức danh một cách chính xác, góp phần củng cố niềm tin, niềm hy vọng của nhân dân và cử tri cả nước về một Quốc hội xứng tầm cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Đại biểu Phạm Văn Tấn khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi phản ánh thoả đáng mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội và cử chi đối với các bộ trưởng.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri là sau lần lấy phiếu đầu tiên, người giữ các chức danh được Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm đều đã nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để từ đó phấn đấu, nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác; quyết tâm thực thi trách nhiệm một cách tốt hơn.

Đại biểu Phạm Văn Tấn đề xuất, trong các kỳ họp tới, Quốc hội cần phát huy các công cụ giám sát có sức mạnh đặc biệt như lấy phiếu tín nhiệm hay chất vấn này, thực hiện một cách quyết liệt và chặt chẽ hơn, tạo ra cơ chế trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan có liên quan có trách nhiệm hơn đối với lĩnh vực mình phụ trách và đối với đất nước đồng thời Quốc hội cũng cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ này để đầy đủ hơn, chặt chẽ và sắc bén hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục