Quốc hội chưa xem xét đến việc bỏ quy hoạch điện hạt nhân

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội biểu quyết nghị quyết về tạm dừng xây điện hạt nhân Ninh Thuận; như vậy, Nghị quyết là tạm dừng chứ không hủy bỏ.
Quốc hội chưa xem xét đến việc bỏ quy hoạch điện hạt nhân ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình những vấn đề có liên quan. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 30/5, tham gia thảo luận, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn cho biết tới thời điểm này, những tồn tại, hạn chế của Bộ Công Thương trong công tác quy hoạch chủ yếu là chưa đạt tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia so với yêu cầu và kỳ vọng.

Hoàn thành quy hoạch ngành quốc gia của ngành Công Thương trong quý 3/2022

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với những hạn chế đó, đồng thời cũng đã có giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc lập 4/5 quy hoạch ngành quốc gia được Chính phủ giao, gồm: quy hoạch điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng dầu khí. Trong đó một quy hoạch đã thẩm định xong, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Quy hoạch điện 8, còn 3 quy hoạch ngành đang trong quá trình thẩm định. Như vậy, trong quý 3/2022, các quy hoạch ngành quốc gia của ngành Công Thương cơ bản sẽ hoàn thành.

Về nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cơ bản thống nhất với những nội dung đánh giá của đoàn giám sát, đặc biệt là những nhận định về tồn tại, bất cập và nguyên nhân trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch thời gian qua.

Bộ Công Thương thống nhất về các giải pháp chủ yếu trước mắt Chính phủ đã đề xuất, đó là đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch, các quy hoạch ngành, các cấp thời kỳ 2021-2030.

Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng rất cần phải tổng kết, đánh giá một cách thấu đáo để rà soát, điều chỉnh, bổ sung Luật Quy hoạch phù hợp với thực tiễn. Theo đó, bổ sung các nội dung như bổ sung quy hoạch về điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong đó quy định về tiêu chí, nguyên tắc điều chỉnh cục bộ, quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ sao cho vừa bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm việc không điều chỉnh cục bộ, tràn lan, phá vỡ tính liên kết, ổn định của hệ thống quy hoạch.

[Rà soát, sửa đổi các quy định về đất đai, quy hoạch đô thị]

Bộ Công Thương đề nghị bổ sung vào danh mục quy hoạch trong Luật Quy hoạch, ngành quốc gia quan trọng để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như ngành công nghiệp vật liệu, luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến điện tử và hóa chất...

Về văn bản do Bộ Công Thương xây dựng, ban hành hướng dẫn công tác quy hoạch thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Nghị định này được ban hành sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.

Các nội dung liên quan đến quy hoạch cụm công nghiệp sửa đổi phù hợp với Luật Quy hoạch, đó là quy hoạch phát triển cụm công nghiệp không lập riêng, được tích hợp trong quy hoạch tỉnh dưới hình thức phương án phát triển cụm công nghiệp.

Nghị định này không có nội dung trái với Luật Quy hoạch nhằm quán triệt các nội dung, định hướng phát triển công nghiệp và thương mại tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì không còn quy hoạch ngành, địa phương nên Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 3415, hướng dẫn các Sở Công Thương tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng các chiến lược, đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, từ đó tham mưu cho địa phương tích hợp vào quy hoạch tỉnh, làm cơ sở cho việc triển khai trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP và Văn bản số 3415 có một nội dung về việc đề nghị các địa phương gửi Bộ Công Thương tham gia ý kiến đối với phương án phát triển cụm công nghiệp nhưng chưa nêu rõ việc lấy ý kiến này theo hình thức nào, có thể là lấy ý kiến của Bộ trong khi góp ý với quy hoạch tỉnh nên đã gây hiểu lầm là phát sinh thủ tục. Về việc này, trong quá trình rà soát Nghị định về quản lý cụm công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Chưa có cơ sở để bỏ quy hoạch điện hạt nhân

Giải trình về ý kiến của các đại biểu Đặng Mỹ Hương (Ninh Thuận), Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) về bỏ quy hoạch địa điểm xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội đã biểu quyết nghị quyết về tạm dừng xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận. Như vậy, Nghị quyết là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ cho nên về nguyên tắc, chưa có cơ sở để bỏ quy hoạch điện hạt nhân.

Quốc hội chưa xem xét đến việc bỏ quy hoạch điện hạt nhân ảnh 2Quang cảnh phiên họp chiều 30/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Mặt khác, theo Bộ trưởng, địa điểm này đã được các đối tác, ngành Công Thương cùng các ngành có liên quan đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân.

Báo cáo làm rõ hơn về vấn đề này với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh điện hạt nhân là vấn đề hệ trọng, chỉ cấp có thẩm quyền mới có thể quyết định được.

Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao việc hiện thế giới đã phải quay lại để phát triển điện hạt nhân, nhằm thực hiện các cam kết ở Hội nghị Các bên tham gia công ước Khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 về phát triển năng lượng sạch. Theo đó, để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và năng lượng gió, cần có một hệ thống điện nền ổn định. Điện nền ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể là nhiệt điện than hoặc thủy điện. Nhiệt điện than đã không còn điều kiện để phát triển, thủy điện cũng hết dư địa phát triển, do đó xu hướng tất yếu là phải tính đến điện hạt nhân.

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết Hoa Kỳ và Đức từ 3 năm trước đã khởi động quá trình giảm điện hạt nhân nhưng đến nay, chính hai quốc gia này đang phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn điện hạt nhân, làm cơ sở cho việc phát triển, khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

“Vì vậy, chúng tôi kiên trì kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội về quy hoạch địa điểm để phát triển điện hạt nhân là khu vực Ninh Thuận. Do đó, chúng ta chưa nên xem xét và cần đợi cấp có thẩm quyền quyết định việc phát triển điện hạt nhân,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục