Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, điều chỉnh hoạt động ngoại thương.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý ngoại thương. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 7/11, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến lần đầu tiên về dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác; luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn; giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định chi tiết...

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ để bảo đảm tính tương thích hơn nữa giữa nội dung một số chế định trong dự thảo Luật với một số cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cụ thể, quy định về hạn ngạch trong dự thảo Luật còn rất chung chung, chưa đưa ra được các nguyên tắc rõ ràng, cụ thể và phù hợp với các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 20 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT.

Đại biểu nêu, về nguyên tắc các biện pháp hạn chế số lượng xuất nhập khẩu bị cấm hoàn toàn trong WTO, trừ một số trường hợp vì mục đích công cộng quan trọng như bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật, bảo vệ tác phẩm nghệ thuật... Các trường hợp ngoại lệ này là những nội dung cam kết cần được nội luật hóa trong các điều khoản cụ thể quy định về nguyên tắc áp dụng hạn ngạch, có như vậy mới đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi cho việc áp dụng, thể hiện rõ hơn quan điểm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - đại biểu kiến nghị.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), việc luật hóa 3 pháp lệnh liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại, hoạt động thương mại biên giới, quyền hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, thương nhân không có hiện diện tại Việt Nam... đã ban hành từ năm 2002 đến năm 2004 là cần thiết. Tuy nhiên, Tờ trình chưa nói rõ việc tổng kết đánh giá thực hiện 3 Pháp lệnh trên. Việc luật hóa 3 Pháp lệnh này vào dự thảo Luật Quản lý ngoại thương theo đại biểu cũng có phần làm cho mọi người cảm thấy việc quản lý nhà nước về ngoại thương đã trở nên "đồ sộ," ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư kinh doanh và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Để phù hợp với Hiến pháp, đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu việc cấm và tạm ngừng, hạn chế xuất nhập khẩu thực tế là những biện pháp hạn chế quyền tự do kinh doanh phải được qui định bằng luật, nhưng dự thảo lại giao quyền này cho Chính phủ và Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng các Bộ là không phù hợp. Nội dung này cần quy định trong luật và ban hành Danh mục kèm theo, tương tự như Luật Đầu tư - đại biểu nêu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhìn nhận, dự thảo Luật đã "ôm đồm" quá nhiều nội dung không cần thiết, làm phát sinh nhiều vấn đề quản lý mới với các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngoại thương, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.

Đại biểu nêu, có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan đến hoạt động ngoại thương nhưng mang tính đặc thù, đã được quy định ổn định trong luật khác nhưng lại thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh, vừa giao thêm trách nhiệm quản lý. Cụ thể như "quy định về hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh, lâu nay thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hải quan và cơ quan Hải quan vẫn kiểm soát hiệu quả. Giờ quy định vào luật này vừa cồng kềnh, vừa phát sinh giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh - đại biểu dẫn chứng.

Qua phân tích, đại biểu Lộc cho rằng dự thảo Luật Quản lý ngoại thương là điển hình của luật khung, luật ống, nhiều vấn đề có thể qui định chi tiết, nhưng dự thảo lại đẩy việc cho Chính phủ. Cụ thể, các biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu, danh mục các biện pháp này phải tuân thủ quy định của WTO, các hiệp định tự do thương mại khác… nhưng tại sao không quy định luôn vấn đề này trong luật mà phải chuyển cho Chính phủ? Tương tự như hạn ngạch, giấy phép xuất nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ hàng hóa… nội dung không rõ ràng, logic, đại biểu nêu. Đại biểu cũng đưa ra nhận xét dự thảo trao quyền cho Bộ Công Thương trong nhiều trường hợp, nhưng trao quyền không đi kèm với căn cứ, tiêu chí nào, rất dễ dẫn đến lạm quyền.

Thảo luận về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của địa phương, cá nhân người đứng đầu, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, phối hợp chưa tốt, trách nhiệm không rõ ràng.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), quy định như dự thảo sẽ bỏ sót trách nhiệm, quyền hạn của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ. Cụ thể, theo đại biểu, hành vi giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các Chính phủ phải có sự tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao chứ không phải chỉ 4 bộ được liệt kê như trong dự thảo.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo có sự chỉnh sửa khoản 4 Điều 7 để quy định chung trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan này trong hoạt động quản lý ngoại thương.

Giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định về các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương, dự thảo không điều chỉnh và mở rộng sang các lĩnh vực khác đã được điều chỉnh hoặc nêu cụ thể trong Luật Thương mại 2005.

Bộ trưởng nêu, trên thực tế, phạm vi điều chỉnh này rất rộng, đồng thời đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng luật mới thay thế Luật Thương mại 2005 để bảo đảm độ phủ, điều chỉnh các hoạt động khác liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại dịch vụ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường hướng tới doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp không mâu thuẫn với tên gọi của dự thảo là Luật Quản lý ngoại thương. Dự thảo Luật chỉ xác định những hiệu quả chung của quản lý nhà nước, phù hợp với thương mại quốc tế, phù hợp với quy định WTO mà Việt Nam có cam kết và là thành viên, theo tinh thần xây dựng môi trường công khai, minh bạch, một Chính phủ liêm chính và kiến tạo.

Bộ trưởng cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật tiếp tục trình Quốc hội xem xét.

Theo chương trình, chiều 7/11, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Du lịch (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục