Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi

Với 97,59 % số đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. 

Vào lúc 9 giờ 55 phút sáng 28/11, dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với 97,59 % tổng số đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

Buổi làm việc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp sáng 28/11 đã đi vào lịch sử lập hiến với việc thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi và bền vững cho quá trình hội nhập và phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Như vậy, sau gần 11 tháng (2/1/2013) tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và triển khai tiếp nhận ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; các chuyên gia, nhà khoa học, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được hoàn thiện, tổng hợp tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của toàn dân tộc.

Báo cáo trước các đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được Quốc hội thông qua lần này là bản Dự thảo được chuẩn bị công phu, tâm huyết, khoa học; là kết quả quá trình làm việc nghiêm túc, cần mẫn và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, của các tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã thể hiện được tinh thần đổi mới; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã làm việc hết sức mình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc vào bản Dự thảo lần này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, trong một số bộ phận, một số người và ngay cả một số đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác về một số điều, khoản trong Dự thảo. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội đã đồng tình cao với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi thông qua lần này.

Dự thảo đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, của đại đa số các đại biểu Quốc hội. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần làm chủ của nhân dân. Những ý kiến còn khác so với Dự thảo đều sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

Với hàng chục ngàn hội nghị, hội thảo, hàng chục triệu ý kiến đóng góp, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị, không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện, quá trình góp ý vào Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với công việc lập hiến của đất nước cũng như thực thi Hiến pháp sau này.

Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Dự thảo Hiến pháp được thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Dự thảo có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập của đất nước, việc sửa đổi bổ sung bản Hiến pháp năm 1992 - được xây dựng trong thời kỳ đầu đổi mới đất nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.

Sau khi thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, trong sáng nay, Quốc hội sẽ tiếp tục biểu quyết, thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục