Quốc hội bàn về thí điểm chính quyền đô thị tại Đà Nẵng

Nhiều đại biểu băn khoăn về việc bố trí số đại biểu Hội đồng Nhân dân khi có sự thay đổi về mô hình đô thị ở thành phố; quy hoạch thành phố phải theo Luật Quy hoạch và tuân theo quy hoạch tổng thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 23/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với một số điều của Dự thảo Nghị quyết như mô hình đô thị 1 cấp ở thành phố Đà Nẵng, cho phép thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ đô thị; cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố sử dụng một phần dư thừa từ việc thu phí để đầu tư một số hạng mục hạ tầng...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn về việc bố trí số đại biểu Hội đồng Nhân dân khi có sự thay đổi về mô hình đô thị ở thành phố; quy hoạch thành phố phải theo Luật Quy hoạch và tuân theo quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Chính phủ và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Cần nghiên cứu kỹ việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận, phường

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề nghị thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo mô hình và phạm vi: Ở khu vực đô thị thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp: tại thành phố Đà Nẵng tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân); tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là Ủy ban Nhân dân.  Ở huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương, gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân. 

[Tạo động lực để thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững hơn]

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ, bởi Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích không lớn, có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, nên việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị nhìn chung là thuận lợi, dễ triển khai.

Đồng thời, thành phố Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường tại 6 quận, huyện Hòa Vang và 45 phường trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016 đạt kết quả tốt, có sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.

Việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội, truyền thống văn hóa-lịch sử, đặc điểm địa lý tự nhiên khác nhau, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền ở đô thị trên phạm vi cả nước sau này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với Ủy ban Nhân dân quận, phường và các cơ quan tư pháp quận (do không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận và phường nên chỉ có Hội đồng Nhân dân thành phố là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân ở địa phương).

Theo ý kiến này, trong đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, vấn đề cốt lõi là cần tập trung vào việc sắp xếp để tăng quy mô các đơn vị hành chính; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; đổi mới cơ cấu tổ chức bên trong, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, đây là mô hình phù hợp vì trước đó Đà Nẵng đã từng thực hiện mô hình tương tự và cho kết quả tốt. Mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng do Chính phủ đề xuất có sự tách bạch rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, quy định với tinh thần của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, khi Đà Nẵng không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận, phường sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải quyết thấu đáo, tránh phát sinh bất cập khi triển khai thực hiện.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ một số vấn đề cơ chế giám sát việc quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân đối với chính quyền quận, phường khi không tổ chức Hội đồng Nhân dân. Đặc biệt là quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân; cơ chế thực hiện các quyền đó với chính quyền quận, phường.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng theo mô hình 1 cấp là phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung thêm về quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp quận, cấp phường trong công tác nhân sự, đặc biệt là quản lý tuyển dụng, sử dụng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về điều chỉnh quy hoạch (Điều 11). Theo đó, Dự thảo Nghị quyết giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, giao Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Quốc hội bàn về thí điểm chính quyền đô thị tại Đà Nẵng ảnh 1Các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đồng ý với việc cho phép thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị để phát huy lợi thế về tiềm năng, lợi thế của thành phố và góp phần tăng nguồn lực cho thành phố Đà Nẵng phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Duy Vượt băn khoăn, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải đảm bảo nghiêm ngặt quy tắc không được phá vỡ quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

"Việc làm này phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kể cả khi họ về hưu hay luân chuyển công tác nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo “tư duy nhiệm kỳ”. Thậm chí nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch ở nhiệm kỳ trước, gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra" - đại biểu Vượt nhấn mạnh.

Theo đại biểu, mục tiêu của việc làm này là nhằm tạo điều kiện để thành phố chủ động và rút ngắn thời gian điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ chế lấy ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Chính vì vậy, quy định tại dự thảo là phù hợp, đúng tinh thần của việc đẩy mạnh phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Đà Nẵng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục