Ngày 11/9, Hạ viện Argentina đã thông qua dự luật nhằm tái cơ cấu nợ của nước này theo hướng tránh phán quyết của một tòa án Mỹ.
Dự luật được thông qua với 134 phiếu thuận và 99 phiếu chống sau hơn 17 giờ tranh cãi gay gắt tại Hạ viện Argentina, cho phép Buenos Aires chuyển hoạt động trả nợ từ Mỹ về Argentina để "tránh" lệnh phong tỏa 539 triệu USD tiền trả nợ của nước này đang được gửi ở Bank of New York Mellon.
Thậm chí, theo dự luật, nhóm chủ nợ còn có thể được nhận tiền trả nợ tại bất kỳ địa điểm nào nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của tòa án Mỹ, như Paris (Pháp).
Tuần trước, Thượng viện Argentina cũng đã thông qua dự luật trên. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng kể cả khi được ban hành thành luật, các rào cản pháp lý và sự nghi ngại từ các nhà đầu tư vẫn có nhiều khả năng sẽ cản trở việc triển khai và thực hiện hiệu quả các biện pháp tái cấu trúc nợ.
Sau khi bị vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001 - vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Trong các đợt tái cơ cấu này, những người sở hữu 92,4% số trái phiếu của chính phủ Argentina đã đồng ý đáo nợ và chỉ nhận một phần tiền trong tổng giá trị số tiền ghi trên trái phiếu.
Tuy nhiên, trong số chủ nợ của 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu cơ mà đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ không chấp nhận phương án đáo nợ nói trên.
Hai quỹ NML Capital và Aurelius Capital Management đã kiện Argentina lên tòa án ở New York để đòi được thanh toán đầy đủ số tiền ghi trên trái phiếu cùng số tiền lãi và tiền phạt chậm thanh toán. Tòa án Mỹ đã xử thắng kiện cho hai quỹ đầu cơ nói trên với tổng số tiền được nhận lên tới 1,5 tỷ USD./.