Quốc hội Ai Cập “bật đèn xanh” cho việc triển khai quân ở nước ngoài

Quốc hội thông qua việc ủy quyền cho Tổng thống điều động các lực lượng vũ trang được cho là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình ở Libya.
Quốc hội Ai Cập “bật đèn xanh” cho việc triển khai quân ở nước ngoài ảnh 1Tổng thống Ai Cập phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Cairo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/7, Quốc hội Ai Cập đã nhất trí thông qua việc ủy quyền cho Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi điều động các lực lượng vũ trang nước này thực hiện các nhiệm vụ tác chiến ở bên ngoài biên giới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Động thái này được cho là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình ở nước láng giềng này.

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, đang mở rộng phạm vi kiểm soát ở nước này. Đặc biệt, GNA đã điều động nhiều tay súng nhằm tấn công và giành quyền kiểm soát thành phố biển Sirte, bước đi mà Cairo coi là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.

Việc Quốc hội Ai Cập trao quyền cho Tổng thống Sisi diễn ra chỉ vài ngày sau không ông Sisi gặp gỡ lãnh đạo các bộ lạc Libya ở Cairo.

Tại cuộc gặp này, đại diện các bộ lạc ở Libya đã kêu gọi Các lực lượng vũ trang Ai Cập “can thiệp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Libya và Ai Cập." Tổng thống Sisi đã tái khẳng định rằng Ai Cập “sẽ không đứng yên để “ranh giới” Sirte và Al-Jufra bị vượt qua.

Thành phố Sirte và căn cứ quân sự Jufra đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy. Trước đó, Tổng thống Sisi đã tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện hành động quân sự ở Libya sau khi nhận được sự thông qua của Quốc hội Ai Cập.

Theo Hiến pháp Ai Cập, Tổng thống, người nắm giữ cương vị Tư lệnh tối cao Các lực lượng vũ trang, sẽ không được tuyên bố chiến tranh hay triển khai binh lính ở bên ngoài lãnh thổ khi không nhận được ý kiến ủng hộ của Hội đồng Quốc phòng và sự chấp thuận của Quốc hội với 2/3 nghị sỹ tán hành.

Trước đó, Nghị viện ở miền Đông Libya hồi tuần trước đã kêu gọi Ai Cập trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột ở nước này nhằm ngăn chặn điều mà họ gọi là “sự chiếm đóng” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ai Cập cùng với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga ủng hộ lực lượng miền Đông của ông Haftar. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn cho GNA.

GNA, với sự hỗ trợ của Ankara, đang mở rộng tầm kiểm soát ở hầu hết các khu vực ở Tây Bắc Libya vốn trước đó do LNA chiếm giữ, đồng thời đẩy lui cuộc tấn công nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli của LNA.

Các lực lượng thuộc GNA, với sự yểm trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, đã buộc lực lượng vũ trang miền Đông phải rút về phía Sirte. GNA cũng tuyên bố sẽ tấn công và giành lại quyền kiểm soát Sirte và căn cứ không quân Jufra. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa hàng nghìn lính đánh thuê từ Syria tới Libya để hỗ trợ GNA.

Động thái này được cho là “giọt nước làm tràn ly” khiến giới chức Cairo hết sức quan ngại. Tổng thống Sisi đã cảnh báo rằng Cairo có quyền hợp pháp trong việc can thiệp vào tình hình Libya, đồng thời nhấn mạnh rằng Sirte và Al-Jufra là “ranh giới đỏ” đối với an ninh quốc gia của Ai Cập.

Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh rằng sự can thiệp của nước này vào Libya sẽ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Ai Cập, Libya và cả khu vực, đặc biệt đảm bảo an ninh khu vực biên giới phía Tây của nước này, đồng thời khôi phục sự ổn định ở Libya.

Theo giới phân tích, Cairo luôn coi vấn đề an ninh và ổn định ở quốc gia láng giềng Libya có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia của Ai Cập. Do vậy, mọi sự bất ổn hay bạo loạn ở Libya đều ít nhiều ảnh hưởng tới Ai Cập, trong đó có những vấn đề liên quan đến mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố, cực đoan và người tị nạn.

Ai Cập được cho là vẫn muốn tránh phát động chiến dịch quân sự ở Libya và Cairo đang ở tư thế “phòng thủ có điều kiện” nhằm đánh giá và theo sát những diễn biến trên thực địa tại Libya vì can thiệp quân sự vào nước láng giềng này sẽ là một kế hoạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.

[Quốc hội Libya ở miền Đông cho phép Ai Cập can thiệp quân sự]

Trước đó cùng ngày, Quốc hội Ai Cập đã thông qua sắc lệnh của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng, có hiệu lực từ ngày 27/7. Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel-Aal cho biết hơn 2/3 nghị sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ việc kéo dài tình trạng khẩn cấp này.

Theo các nội dung được nêu trong sắc lệnh trên, các lực lượng vũ trang và cảnh sát được phép tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để đấu tranh, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố cũng như các nguồn tài chính của chúng nhằm đảm bảo an ninh trên khắp đất nước, bảo vệ tài sản của nhà nước và người dân cũng như tính mạng của họ.

Trước đó, tháng Tư vừa qua, Quốc hội Ai Cập cũng đã thông qua đề nghị của tổng thống nhằm kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng, cho đến ngày 26/7. Theo quy định, luật tình trạng khẩn cấp chỉ có thể thực hiện trong ba tháng, sau đó phải được tổng thống ra quyết định gia hạn và tiếp đó cần có sự thông qua của quốc hội.

Ai Cập ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ tháng 4/2017 sau vụ đánh bom kép hai nhà thờ tại thành phố Gharbiya và Alexandria khiến 47 người chết và 120 người bị thương.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2013, an ninh đã trở thành một thách thức lớn tại Ai Cập khi nước này phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố, chủ yếu là các phần tử khủng bố ẩn náu tại Bán đảo Sinai có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính phủ Ai Cập khẳng định quyết tâm tiêu diệt các phần tử khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục