Người dân Luxembourg có thể được xếp vào nhóm các nước giàu nhất Liên minh châu Âu (EU), nhưng chi phí mua hoặc thuê nhà cao ngất ngưởng của nước này đang khiến một số người buộc phải chuyển sang các quốc gia lân cận.
Cuộc khủng hoảng nhà ở đã trở thành mối quan tâm số một của các cử tri Luxembourg, quốc gia chỉ có 660.000 dân - nhỏ hơn cả tiểu bang nhỏ nhất của Mỹ là Rhode Island, khi cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 8/10 tới.
Nhà phân tích chính trị Philippe Poirier tại Đại học Luxembourg chia sẻ vấn đề nhà ở là "câu hỏi chính làm lu mờ tất cả những câu hỏi khác" và "sự khan hiếm nhà ở và đất đai, chi phí xây dựng hoặc mua sắm và giá thuê cao" trở thành vấn đề gây bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng cử tri.
Tại thủ đô Luxembourg, những căn hộ mới xây hiện được rao bán với giá khoảng 13.000 euro/m2 (13.707 USD/m2) và những căn hộ cũ có giá 10.700 euro/m2. Giá trung bình của một căn hộ phổ biến nhất (2 phòng ngủ) vào khoảng 1,5 triệu euro.
[Hàng nghìn người biểu tình ở Bồ Đào Nha vì khủng hoảng nhà ở]
Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến hết tháng 6/2023, giá thuê nhà tại quốc gia châu Âu nhỏ bé này đã tăng 6,7%, gần gấp đôi so với mức tăng lạm phát trong cùng kỳ.
Bà Pascale Zaourou, một giáo viên tiểu học và là mẹ của ba đứa con, đã phải đợi 5 năm mới có thể tiếp cận được một suất thuê nhà ở xã hội với giá ưu đãi.
Bà Zaourou cho biết: “Trên thị trường tư nhân, giá thuê một căn hộ hai phòng ngủ vào khoảng 2.000 euro/tuần - một mức chi phí vượt khả năng chi trả của các gia đình thu nhập thấp hoặc chỉ có một nguồn thu nhập."
Nhà nghiên cứu Antoine Paccoud tại Đài Quan sát Nhà ở, nơi tổng hợp dữ liệu hướng dẫn chính sách của chính phủ, than phiền ngày càng có nhiều người Luxembourg chuyển sang sống ở Đức, Belgium (Bỉ) hoặc Pháp, vì giá bán và thuê nhà tại những nơi này rẻ hơn nhiều.
Luxembourg là quốc gia có nền kinh tế phát triển dựa trên lĩnh vực dịch vụ tài chính. Theo ước tính từ cơ quan thống kê của EU, năm 2022, thu nhập ròng trung bình của một công nhân ở Luxembourg là 47.000 euro/năm, mức cao nhất trên toàn EU.
Tuy nhiên, khoảng một nửa số người sống ở Luxembourg không phải là công dân nước này. Có một khoảng cách rất lớn về tỷ lệ sở hữu nhà giữa người Luxembourg bản xứ ở mức 80% và cư dân nước ngoài chỉ ở mức 50%.
Trong khi nhiều người Luxembourg gần như có việc làm được đảm bảo khi là nhân viên chính thức tại các cơ quan nhà nước, thì người nước ngoài lại phải đối mặt với thị trường việc làm luôn thay đổi.
Bên cạnh đó, chuyên gia Paccoud cho biết việc thiếu thuế thừa kế và chỉ có rất ít các quy định nghĩa vụ tượng trưng về quyền thừa kế đã khuyến khích chủ sở hữu giữ lại đất đai thay vì mua bán hoặc chuyển đổi hình thức sử dụng.
Ông giải thích 0,5% dân số Luxembourg, tương đương 3.000 người, sở hữu một nửa diện tích đất có thể xây dựng. Những chủ sở hữu này đang giữ đất của họ càng lâu càng tốt vì giá đang tăng. Điều này dẫn đến quỹ đất xây dựng bị thu hẹp và không đủ đất để triển khai các dự án xây dựng mới./.