Quấy rối tình dục, nỗi khổ đau khó chia sẻ của đàn ông Nhật Bản

Nhiều đàn ông Nhật Bản cảm thấy bị đối xử bất công khi họ cũng bị sờ soạng, quấy rối, bạo hành nhưng luôn phải chịu đựng điều đó vì xã hội mặc định họ là thủ phạm chứ không phải nạn nhân.

Hành khách trên một toa tàu đông đúc ở tỉnh Kawasaki, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Hành khách trên một toa tàu đông đúc ở tỉnh Kawasaki, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Nhiều phụ nữ tại Nhật Bản từng gây chú ý khi cho biết họ phải chịu đựng áp lực nặng nề trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều nam giới tại nước này cũng cảm thấy bị đối xử bất công về vấn đề giới tính.

Ngày nay, phụ nữ tại Nhật Bản có xu hướng sẵn sàng lên tiếng về hành vi không đứng đắn của nam giới hơn là chịu đựng trong im lặng, như thế hệ mẹ họ từng làm.

Trong bối cảnh phải nhận nhiều lời chỉ trích, nhiều đàn ông Nhật Bản cảm thấy xã hội coi họ như những kẻ săn mồi, phải nhận sự đổ lỗi trong khi phụ nữ luôn là nạn nhân cần được xoa dịu và đền bù.

Cảm giác bất công này càng được thúc đẩy bởi một video thực do một tổ chức có tên là Trung tâm dành cho đàn ông Nhật Bản yếu đuối sản xuất, trong đó cho thấy một chàng trai trẻ trên toa tàu bị buộc tội oan vì sàm sỡ phụ nữ.

Trong đoạn video thu hút gần 7 triệu lượt xem, người ta thấy chàng trai trẻ đang mải xử lý công việc liên quan tới kinh doanh, trong khi một người phụ nữ ngồi cạnh ngủ quên và tựa đầu vào vai anh ta.

Với thái độ nhẹ nhàng, người đàn ông cố gắng đẩy người phụ nữ ra, vô tình chạm vào đầu cô. Ngay sau đó, người phụ nữ tỉnh dậy và buộc tội anh đã sàm sỡ cô.

Người đàn ông bình tĩnh cố gắng giải thích chuyện gì đã xảy ra, nhưng khi những hành khách khác đứng về phía người phụ nữ, anh ta trở nên tức giận và cao giọng.

Đây là một sai lầm chết người, càng khiến hành khách khác trên tàu coi anh ta là thủ phạm, dù người xem video clip có thể thấy điều ngược lại.

nam gioi quay roi 3.jpg
Nhiều nam giới tại Nhật Bản cảm thấy bất công khi luôn bị gắn mác là thủ phạm trong các vụ quấy rối nơi công cộng. (Nguồn: SCMP)

Hình phạt dành cho hành vi quấy rối tình dục ở Nhật Bản rất nghiêm khắc. Khi một người đàn ông bị buộc tội sàm sỡ phụ nữ, cái mác này sẽ đeo bám anh ta như một căn bệnh kinh niên, làm vấy bẩn mọi điều tốt đẹp anh ta cố gắng gây dựng trong nhiều năm.

Tất nhiên, việc đàn ông quấy rối phụ nữ là một vấn đề nghiêm trọng và tồn tại từ lâu ở Nhật Bản. Những hành khách đi tàu trong đoạn video cho rằng nam thanh niên có tội vì đàn ông thường như vậy.

Một số báo cáo nói rằng cứ ba phụ nữ Nhật Bản thì có một người từng là nạn nhân của hành vi sàm sỡ vào một thời điểm nào đó trong đời.

Vào năm 2023, khi các công ty Nhật Bản trở lại làm việc tại công sở sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, số vụ quấy rối trên phương tiện giao thông công cộng đã tăng lên đáng kể so với năm trước.

Vào tháng 11, một nhóm nữ sinh trung học đã phát tờ rơi bên ngoài một nhà ga tàu điện lớn ở Saitama nhằm nỗ lực nâng cao nhận thức về vấn đề này, kêu gọi hành khách giải cứu nạn nhân bằng cách nhấn nút khẩn cấp hoặc gọi cảnh sát.

Đã có một số nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề quấy rối bằng cách tách biệt nam giới và nữ giới. Những toa tàu dành riêng cho phụ nữ đã được thử nghiệm ở khu vực đô thị Tokyo vào đầu những năm 2000.

nam gioi quay roi 1.jpg
Một toa tàu dành riêng cho nữ giới tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Những toa tàu này mang lại điều kiện đi lại dễ chịu hơn cho phụ nữ. Nhưng mỗi chuyến tàu chỉ có một hoặc hai toa và chỉ hoạt động vào giờ cao điểm. Kết quả là, toa tàu thường xuyên bị quá tải, trải nghiệm đi lại bị tổn hại bởi sự vội vã điên cuồng để giành được chỗ ngồi trong toa tàu này.

Ngày nay, một số đàn ông Nhật Bản kêu gọi những toa tàu dành riêng cho nam giới, chỉ ra rằng họ cũng có thể là nạn nhân của việc quấy rối.

Vào tháng 11/2023, ngay trước Ngày Quốc tế Nam giới, Trung tâm dành cho nam giới Nhật Bản yếu đuối đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa trong đó nam giới thể hiện quan điểm bằng cách cùng nhau đi trên một chuyến xe điện ở Tokyo.

Tomotake Hirata, thành viên hội đồng quản trị của tổ chức này, cho biết: “Đàn ông cũng muốn đi tàu an toàn và riêng tư. Đàn ông cũng bị sờ soạng và bắt nạt trên tàu. Đàn ông cũng trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình. Nhưng chúng tôi phải chịu đựng điều đó vì là đàn ông. Chúng tôi được cho là thủ phạm chứ không phải nạn nhân”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục