Ngày 3/5, theo thông tin từ Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), đơn vị vừa điều phối lực lượng để kịp thời xử lý an toàn hàng chục bom mìn, vật nổ ở công trường thi công công trình Trung tâm Hành chính thị xã Quảng Trị, ở Phường 2, thị xã Quảng Trị.
Từ ngày 26/4-2/5, Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần nhận được tin báo phát hiện bom mìn, vật nổ tại công trường thi công công trình này.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm đã điều phối Đội xử lý lưu động (EOD) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đến hiện trường để xử lý bom mìn, vật nổ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và công trình xung quanh.
Sau nhiều ngày xử lý, Đội đã di dời và hủy nổ an toàn 30 bom mìn, vật nổ gồm: đạn pháo, đạn cối, lựu đạn 40mm, kíp đạn các loại.
Thị xã Quảng Trị là một trong những địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất tỉnh. QTMAC đã nhiều lần nhận được thông tin báo có bom mìn, vật nổ tại địa phương này.
Thị xã cũng là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu nhất là Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6-16/9/1972).
Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc sau chiến tranh với trên 81% diện tích đất.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn và vật liệu nổ đã gây thương vong cho hơn 8.540 người trên địa bàn; trong đó có trên 3.430 người chết.
Quảng Trị hướng đến mục tiêu là “tỉnh an toàn” với bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vào năm 2025.
Cũng trong quá trình thi công Trung tâm Hành chính thị xã Quảng Trị, lực lượng chức năng đã cất bốc được 3 hài cốt liệt sỹ và các vật dụng kèm theo như súng AK, xẻng bộ binh, cúc áo, dép cao su.
Số hài cốt liệt sỹ này đã được đưa về quàn tại Ủy ban Nhân dân thị xã Quảng Trị, chờ làm Lễ truy điệu và an táng.
Lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với đơn vị thi công công trình, mở rộng phạm vi tìm kiếm khu vực xung quanh nơi phát hiện hài cốt liệt sỹ./.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị
Quảng Trị là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn 10 năm (2016-2025) và cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động 5 năm.