Ngày 9/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận công trình “Nhà làm việc Bộ Ngoại giao của Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ.”
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn Phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên tham dự buổi lễ cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân, tấm lòng hảo tâm và lãnh đạo, nhân dân tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện góp phần hoàn thiện công trình này.
Mặc dù giá trị vật chất không lớn nhưng công trình mang ý nghĩa lịch sử, tính biểu tượng cao, góp phần vào việc giáo dục lịch sử cho các thế hệ sau.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng tin tưởng rằng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, các ngành chức năng, nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục tôn tạo, gìn giữ, phát huy giá trị của công trình thông qua việc giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân trong nước, giới thiệu, quảng bá tới bạn bè quốc tế.
[Phục dựng nguyên bản Nhà làm việc Bộ Ngoại giao ở Quảng Trị]
Tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên đã trao cho tỉnh Quảng Trị một số kỷ vật của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình như Kỷ niệm chương Hội nghị Paris, một số hình ảnh lịch sử, chiếc túi xách, cặp kính đeo mắt làm việc và 2 chiếc khăn mà bà đã dùng ở Hội nghị Paris năm 1973.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng trao tặng 50 suất học bổng của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ hòa bình và Phát triển Việt Nam cho các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Cam Lộ; bằng khen của Chủ tịch Quỹ hòa bình và Phát triển Việt Nam cho các đơn vị, cá nhân có đóng góp tích cực vào phục dựng nhà làm việc Bộ Ngoại giao.
Nhân dịp này, các đại biểu đã trồng cây lưu niệm tại Nhà làm việc Bộ ngoại giao của Di tích trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Để phục vụ cho hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tân Hòa, nay là thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ đặt trụ sở làm việc.
Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời được khởi công từ ngày 6/5/1973 đến ngày 30/5/1973 hoàn thành. Toàn bộ nguyên vật liệu do nhân dân miền Bắc đóng góp.
Khu trụ sở được chia thành hai dãy nhà A và B. Nhà A là nơi làm việc của Chính phủ, trong đó có nhà làm việc Bộ Ngoại giao, nhà khách, nơi trình quốc thư của các đại sứ. Nhà B là nơi làm việc của các nhân viên, phóng viên báo chí.
Đến ngày 6/6/1973, Chính phủ cách mạng lâm thời đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi míttinh trọng thể.
Đại biểu của 19 nước anh em, bạn bè khắp năm châu đã tới dự, đại sứ của các nước đã trình quốc thư. Di tích này được xếp hạng quốc gia vào năm 1991.
Khu Chính phủ này hoạt động từ tháng 6/1973 đến tháng 5/1975.
Vào năm 1985, một cơn bão mạnh đổ bộ vào tỉnh Quảng Trị đã khiến các ngôi nhà làm việc trong khu di tích bị đổ sập hoàn toàn.
Tháng 3/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông khởi công phục dựng lại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao của Di tích Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việc phục dựng công trình này góp phần làm phong phú thêm Di tích Quốc gia Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.
Công trình được bàn giao cho tỉnh Quảng Trị quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng có hiệu quả./.