Quảng Trị: Sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống 2.360 hộ dân

Tình trạng sạt lở bờ sông ở Quảng Trị đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của 2.364 hộ dân ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố.
Một điểm sạt lở. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh, đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố, với tổng số 2.364 hộ.

Trong số hộ trên, có 597 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm khi cách mép sông chỉ dưới 20m.

Sông Thạch Hãn, một trong ba sông chính ở Quảng Trị đang có nhiều đoạn bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng; nhất là đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.

Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân xã Hải Lệ Nguyễn Văn Lanh cho biết, ven bờ sông Thạch Hãn có gần 60 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Tỉnh đã và đang đầu tư, giải phóng mặt bằng khu tái định cư, để di dân khẩn cấp đến ở nhằm đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, bờ sông Thạch Hãn còn bị sạt lở nghiêm trọng đoạn qua phường An Đôn, thị xã Quảng Trị; đoạn qua các xã Triệu Thượng, Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Độ thuộc huyện Triệu Phong; xã Gio Việt huyện Gio Linh.

Tương tự, bờ sông Bến Hải đoạn qua các xã: Trung Sơn, Trung Giang thuộc huyện Gio Linh; Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp.

Bờ sông Ô Lâu ở huyện Hải Lăng bị sạt lở nặng đoạn qua các xã: Hải Chánh, Hải Sơn… Tổng chiều dài sạt lở bờ của các con sông ở Quảng Trị hơn 105km; trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18km, sạt lở nguy hiểm hơn 48km, sạt lở bình thường trên 39km.

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, xây dựng Đề án “Ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030.

Theo đề án có việc đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở, gồm: thực hiện điều tra, xây dựng bản đồ cảnh báo vùng, địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; nghiên cứu, quan trắc, thông báo diễn biến sạt lở, cảnh báo vùng có nguy cơ sạt lở cao; quy hoạch di dời nhà cửa, công trình ra khỏi khu vực đang sạt lở nghiêm trọng hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.

Đề án cũng đề cập đến việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc khai thác cát sỏi, xây dựng công trình ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông; đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục