Ngày 8/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết vừa ký Quyết định số 2606/QĐ-UBND phê duyệt khu vực ở biển để nhận chìm chất nạo vét thuộc phạm vi quản lý của tỉnh với diện tích 720ha.
Quyết định nêu rõ, khu vực 1 thuộc huyện Gio Linh có diện tích 320ha, được giới hạn bởi các điểm góc QT1-1, QT1-2, QT1-3, QT1-4; độ sâu từ 25-30m tính từ mức “0” hệ cao độ Quốc gia.
Khu vực 2 thuộc huyện Hải Lăng có diện tích 400ha, được giới hạn bởi các điểm góc QT2-1, QT2-2, QT2-3, QT2-4; độ sâu từ 22-25m tính từ mức “0” hệ cao độ Quốc gia.
Về quy mô, khu vực 1 có sức chứa 2,4 triệu m3; khu vực 2 có sức chứa 3 triệu m3. Khối lượng nhận chìm tối đa trong một ngày đối với khu vực 1 là 11.500m3 ; khu vực 2 là 14.400m3.
Thiết bị vận chuyển chất nạo vét có trọng tải tối đa khoảng 2.000T. Thời gian tiến hành nhận chìm phù hợp nhất từ tháng Tư đến tháng Tám.
Trong trường hợp nếu tổng khối lượng chất nạo vét để nhận chìm tại khu vực 1 vượt quá 2,4 triệu m3, khu vực 2 vượt quá 3 triệu m3 hoặc khối lượng nhận chìm trong một ngày khu vực 1 lớn hơn 11.500m3, khu vực 2 lớn hơn 14.400m3, hoặc các thiết bị vận chuyển chất nạo vét có trọng tải trên 2.000T thì cần nghiên cứu chi tiết hơn mức độ khuếch tán vật chất nhận chìm và biến đổi địa hình đáy khu vực để có các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm cũng như các khu vực lân cận.
Về tổ chức thực hiện, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh có trách nhiệm công bố khu vực để nhận chìm chất nạo vét ở biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Trị; thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban Nhân dân tỉnh; hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quan trắc và giám sát môi trường tại các khu vực ở biển để nhận chìm chất nạo vét theo nhiệm vụ được giao.
[Thanh Hóa: Bác bỏ phương án nhận chìm 6,9 triệu m3 bùn xuống biển]
Sau 5 năm tổ chức khảo sát và đánh giá lại môi trường, đa dạng sinh học, phát tán, lan truyền vật chất ở khu vực biển nhận chìm để làm cơ sở tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc cấp giấy phép nhận chìm cho các dự án tiếp theo.
Các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động nhận chìm chất nạo vét thuộc phạm vi quản lý.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chìm chất nạo vét tại các khu vực nêu trên phải thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo đúng quy định và chỉ được nhận chìm khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật có liên quan khi thực hiện việc nhận chìm chất nạo vét ở biển; nhận chìm đúng vị trí, chủng loại, khối lượng được cấp thẩm quyền cho phép; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố, vi phạm pháp luật trong hoạt động nạo vét, nhận chìm theo quy định của pháp luật.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, trước đây, địa phương chưa có quy hoạch các khu vực ở biển để nhận chìm các chất nạo vét, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát, giảm thiểu những tác động ô nhiễm do quá trình nạo vét, đổ thải đến môi trường, các hệ sinh thái và các khu bảo tồn biển.
Vì vậy, việc phê duyệt khu vực để nhận chìm chất nạo vét ở biển là rất thiết thực, đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ…
Nhận chìm chất nạo vét trên biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định pháp luật.
Theo Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo quy định vật, chất được nhận chìm ở biển phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Không chứa chất phóng xạ, chất độc vượt quy chuẩn kỹ thuật an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; bảo đảm không tác động có hại đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản; không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế-xã hội.
Theo Điều 60 Nghị định 40/2016/NĐ-CP, danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển được quy định bao gồm chất nạo vét; bùn thải; các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản; tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển; các chất địa chất trơ và chất vô cơ; các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên; các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bêtông và các chất tương tự không độc hại mà trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhận chìm; carbon dioxide (CO2) được thu và lưu trữ…/.