Quảng Trị nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ để học sinh sớm đến trường

Mưa lũ đã khiến hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị thiệt hại nặng nề, đến nay, nhiều trường học vẫn chưa thể tổ chức dạy và học do bị mưa lũ tàn phá tan hoang.
Lực lượng đoàn viên thanh niên giúp các trường học ở xã Hướng Việt khắc phục hậu quả lũ lụt. (Ảnh: Hồ Cầu/TXVN)

Bão lũ qua đi, để lại những dãy phòng bị đất đá vùi lấp, vô số lớp học ngập sâu trong bùn non, các sân chơi ngổn ngang giữa cây và hàng rào đổ sập. Sách vở, dụng cụ học tập ướt nhẹp hoặc cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Đã hơn 2 tuần trôi qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn gặp nhiều khó khăn, một số trường chưa thể tổ chức lại hoạt động dạy và học.

Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đang chung tay triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực, quyết tâm thực hiện mục tiêu sớm đưa học sinh trở lại trường.

Huy động sức trẻ chung tay khắc phục

Mưa lũ đã khiến 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị thiệt hại nặng nề. Đến nay, nhiều trường học vẫn chưa thể tổ chức dạy và học do bị mưa lũ tàn phá tan hoang.

Với phương châm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên,” những ngày qua, Tỉnh Đoàn Quảng Trị huy động hơn 300 đoàn viên, thanh niên của Huyện Đoàn Hướng Hóa; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng; lực lượng công an, quân đội trên địa bàn; Hội Thầy thuốc trẻ… ra quân thực hiện chiến dịch tình nguyện, hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh tại các trường học của xã Hướng Việt.

Đây là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề và cô lập suốt thời gian qua. Dầm mình trong bùn non, với sức trẻ, các thanh niên đang nỗ lực cống hiến hàng nghìn ngày công để khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hướng Việt, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng, hàng nghìn mét khối đất đá, bùn non, cây cối… tràn vào khuôn viên trường khiến các phòng học ngập sâu trong đất.

Bùn đất bồi lấp tại Trường Tiểu học và THCS xã Hướng Việt. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Mặc dù mưa lũ qua đi đã hơn nửa tháng nhưng đến nay trường vẫn chưa thể hoạt động trở lại, đồng nghĩa với việc 280 em học sinh của 2 cấp vẫn phải nghỉ học.

Chị Trần Thị Thu, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị cho biết: Trong chiến dịch lần này, lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã phối hợp với các ngành, chức năng đưa phương tiện, máy móc để nạo vét, giải phóng bùn đất trong khu vực các trường học và công trình công cộng tại xã Hướng Việt.

Qua gần một tuần liên tục triển khai chương trình, tình trạng bùn non, đất đá và cây cối bị gãy đổ tại trường Mầm non xã Hướng Việt cơ bản được dọn sạch.

Hiện, lực lượng thanh niên tiếp tục dọn dẹp vệ sinh tại trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hướng Việt.

Chiến dịch diễn ra trong điều kiện khó khăn, thời gian kéo dài, công việc nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng các tình nguyện viên vẫn đang nỗ lực hết sức mình.

[Tái thiết sau lũ lụt ở Quảng Trị: Ứng phó kịp thời với sạt lở đất]

Để hỗ trợ các trường bị thiệt hại nặng trên địa bàn, Tỉnh Đoàn cũng đã trao tặng một số đồ dùng, vật dụng cần thiết cho các trường như bếp ga, máy xịt nước, chăn màn…

Hiện, đơn vị đang tiếp tục vận động, kêu gọi và kết nối các nguồn lực để trao tặng sách, vở, áo quần, đồ dùng học tập, các suất quà cho các em học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hướng Việt, huyện Hướng Hóa chia sẻ, các đợt lũ lụt diễn ra liên tiếp khiến ngôi trường khang trang bị tan hoang, tiêu điều.

Các dãy phòng học bị ngập sâu trong bùn, có nơi cao hơn 1m; hệ thống tường rào và cây xanh của trường bị đổ sập; sân chơi, dụng cụ dạy học, sách vở của học sinh bị hư hại.

Các dãy nhà bị xuống cấp nghiêm trọng do bị ngập sâu trong bùn lâu ngày…; thiệt hại vẫn chưa thể đong đếm được. Nhận được sự chia sẻ của lực lượng thanh niên, chung tay cùng các giáo viên của trường dọn dẹp vệ sinh, cào bùn non, đất đá, chặt bỏ cây gãy đổ…, đến nay, khu vực phòng học và sân trường cơ bản đã tạm ổn.

Dự kiến hết ngày 15/11, khu vực phía sau các dãy phòng học và xung quanh trường được khắc phục để sớm tổ chức hoạt động dạy và học trở lại.

Những ngày qua, hình ảnh những đoàn viên thanh niên, các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đã có mặt tại các trường học tại địa bàn xã Hướng Việt để dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả lụt bão đã thắp sáng niềm vui trong lòng các em nhỏ vùng cao nơi đây, tin tưởng rằng ngày đến trường sẽ không còn xa.

Băng rừng động viên trò đến lớp sau mưa lũ

Mưa lũ kéo dài liên tục, tình trạng học sinh nghỉ học dài nên không muốn đến lớp diễn ra phổ biến tại các trường miền núi, đặc biệt tại các điểm trường xa xôi, do giao thông đi lại khó khăn cùng với nhận thức của người dân còn hạn hẹp.

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn trong khi bão lũ gây ra những thiệt hại nặng nề khiến nguy cơ các em bỏ học rất lớn. Chính vì vậy, sau mưa lũ, vấn đề đưa học sinh trở lại lớp là bài toán nan giải trong suốt nhiều năm qua của tỉnh Quảng Trị.

Nhằm hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học, cùng với việc khắc phục hậu quả bão lũ, các trường học tổ chức cắt cử giáo viên phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể đến từng nhà vận động, tuyên truyền phụ huynh và học sinh để trẻ trở lại trường học.

Giáo viên trường tiểu học và trung học sơ sở Hướng Việt thu dọn bùn đất tại trường học. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Thầy Hoàng Quang Cẩn, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Ngo, huyện Đakrông cho biết hiện trường có 477 học sinh tại 5 điểm trường của 2 cấp học, trong số đó học sinh chủ yếu người dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều.

Trong tháng 10 vừa qua, mưa bão liên tục, khiến đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến việc theo học của học sinh. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ học kéo dài khiến nhiều học sinh không muốn đi học trở lại.

Trước thực trạng trên, trường đã cắt cử các giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương băng rừng, vượt suối đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động các em học sinh đến trường.

Ngoài ra, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với các học sinh, công đoàn trường cũng đã huy động quyên góp trao tặng sách vở, dụng cụ học tập, áo quần cũ… Nhờ quá trình thực hiện tốt, ban đầu từ tỷ lệ học sinh đều đặn đến lớp chưa được cao sau mưa lũ thì đến nay đã đạt từ 90-95%.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, bão lũ khiến 316 điểm trường bị ngập lụt, hư hại; ước tính thiệt hại 105 tỷ đồng.

Hiện nay, vẫn còn có 13 trường thuộc các xã: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Linh, Húc… chưa thể dạy học trở lại do cơ sở vật chất bị hư hại nặng, chưa thể giải phóng hết bùn non và đất đá. Hiện nay, công tác khắc phục vẫn đang được triển khai, mục tiêu đến giữa tháng 11 có thể đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường.

Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 5 tỷ đồng gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, sách vở, chăn màn… đến các trường bị thiệt hại nặng.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong thời gian qua, công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại các trường trên địa bàn được triển khai gấp rút, khẩn trương với sự giúp đỡ của các lực lượng công an, biên phòng, quân đội… không quản ngại khó khăn, gian khổ ngày đêm dầm mình giữa nước lũ, bùn non, đồng hành hỗ trợ dọn dẹp.

Với sự quyết tâm, nỗ lực, tinh thần vượt khó của thầy, trò vùng lũ, cùng với sự chung tay giúp sức của cộng đồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tin tưởng, những trở ngại trước mắt sẽ sớm được khắc phục để việc học tập nhanh chóng trở lại đúng nhịp độ bình thường.

Bên cạnh công tác khắc phục, Sở cũng yêu cầu các trường chú trọng công tác huy động học sinh đến trường, hạn chế tỷ lệ bỏ học sau thời gian mưa lũ kéo dài. Đồng thời, các trường kịp thời nắm rõ và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do bão lũ, với quyết tâm "không để bất kỳ học sinh nào bị bỏi rơi hay chậm trễ con đường học hành."

Những ngày qua, nhờ có sự sẻ chia của cả nước, học sinh ở những vùng khó Quảng Trị đã có thêm sách vở, áo quần, dụng cụ học tập để đến trường học.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay cơ sở vật chất nhiều trường bị hư hại nặng. Hiện nay, Sở đang xây dựng kế hoạch khắc phục lâu dài đối với những cơ sở vật chất, trường học bị hư hại nặng nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục