Thấp thỏm, lo âu là cảm giác thường trực của người dân Quảng Trị khi phải đi qua những cây cầu tạm bợ, cầu bị hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt, khi mùa mưa lũ đang đến gần, nguy cơ tai nạn xảy ra tại những cây cầu này là rất cao vì cầu có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Thời gian gần đây, chuyện về cây cầu Quy Thiện dài khoảng 40m, rộng 4m nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch, nối liền 3 xã Hải Xuân, Hải Quy và Hải Vĩnh thuộc huyện Hải Lăng với thị xã Quảng Trị, phục vụ việc đi lại của gần 16.000 người dân, sắp bị sập khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.
Để phòng ngừa tai nạn đáng tiếc xảy ra, hơn một tháng nay, chính quyền địa phương, cùng các lực lượng chức năng đã cho đổ đất và chốt chặn hai bên cầu không cho người dân qua lại.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, chiếc cầu tạm được làm bằng gỗ, tre đã cũ và mục nát sau nhiều năm ở gần đó, đã trở thành con đường huyết mạch để người dân tập trung qua lại.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong một buổi sáng nhưng đã có hàng trăm lượt người và phương tiện đi qua cây cầu này.
Ngay đầu cầu, chính quyền địa phương đã cắm biển báo: “Cầu yếu, đề nghị tắt máy, dắt xe khi qua cầu." Tuy nhiên, nhiều phương tiện qua lại vẫn không thực hiện.
[Đã có cầu, người dân vẫn liều mình đu dây qua sông Pô Kô]
Chiếc cầu nhỏ không có thành cầu, mặt cầu có nhiều thanh gỗ mục nát, gãy được người dân dùng tre, nứa chèn lại; trụ cầu được dựng trên những chiếc cọc thép đã hoen rỉ; những sợi thép buộc mục nát do mưa nắng sẵn sàng bung ra bất cứ lúc nào. Mỗi lần có người hoặc phương tiện đi qua, chiếc cầu lại rung lắc dữ dội.
Ông Nguyễn Duy Phú, thôn Quy Thiện, xã Hải Quy cho biết: "Vì cầu Quy Thiện bị hư hỏng nặng nên người dân 3 xã Hải Quy, Hải Vĩnh, Hải Xuân đều phải qua lại trên chiếc cầu tạm này. Thế nhưng, tình trạng chiếc cầu đã xuống cấp nghiêm trọng khiến bà con rất lo lắng, đặc biệt là học sinh đi học phải có phụ huynh đưa đón. Mỗi lần đi qua cây cầu này, chúng tôi đều có cảm giác lo sợ khả năng cầu có thể bị sập bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, người dân đi qua cầu vào ban đêm rất sợ vì khu vực cầu không có nhà dân, không có điện. Tôi mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm sớm giải quyết cho người dân đi lại được an toàn."
Theo ông Lê Văn Lạt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Quy, khi cầu Quy Thiện gặp sự cố, lãnh đạo xã đã cử lực lượng đến chốt chặn, cắm biển báo, rào chắn, không cho người dân qua lại để phòng tránh tình huống xấu có thể xảy ra.
Hiện nay, theo quy hoạch dự án xây dựng tuyến đường liên xã Hải Xuân, Hải Quy, Hải Vĩnh do Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hải Lăng làm chủ đầu tư, chiếc cầu ở thôn Quy Thiện sẽ được thay thế bằng một cây cầu mới.
Dự kiến trước Tết Nguyên đán năm 2019, cây cầu này sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện nay vẫn còn 4 cây cầu không đảm bảo an toàn, trong đó có 2 cầu tạm và 2 cầu bêtông xuống cấp nghiêm trọng, chỉ chịu lực được xe có trọng tải dưới 3,5 tấn, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn tính mạng và tài sản người dân rất cao, nhất là trong mùa mưa lũ.
Trước tình trạng trên, lực lượng chức năng xã Hải Quy đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên đề nghị đầu tư, nâng cấp sửa chữa phục vụ cho việc đi lại của người dân tại địa phương.
Là địa phương có thời tiết khắc nghiệt, hằng năm, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu nhiều mưa bão, nên việc đảm bảo an toàn cho người dân qua những cây cầu tạm trên cần được quan tâm thích đáng. Bởi giữa dòng nước lũ, những chiếc cầu tạm, cầu “hết thời” thế này có thể bị cuốn phăng đi.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có thể kể đến một số cây cầu bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng người dân vẫn phải sử dụng để qua lại như: cầu An Mô nối giữa thị trấn Ái Tử và xã Triệu Long thuộc huyện Triệu Phong; cầu Bình An, xã Vĩnh Chấp thuộc huyện Vĩnh Linh; cầu Câu Nhi nối giữa xã Hải Xuân và Hải Trường, cầu Phú Hưng của xã Hải Phú; cầu Trâm Lý nối liền giữa xã Hải Quy và Hải Phú, cầu xóm Sen ở xã Hải Trường thuộc huyện Hải Lăng...
Theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh hiện có 395 cây cầu, trong đó có 118 cầu có kết cấu yếu, chịu tải trọng thấp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển.
Để có thể sửa chữa và xây mới những cây cầu, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, dự án khác nhau. Từ nguồn vốn của Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất xây dựng 62 cây cầu trị giá 254 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận trong giai đoạn 2017-2019 sẽ đầu tư 37 cây cầu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, đã có 14 cây cầu cơ bản hoàn thành, còn 13 cầu đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu...
Ông Nguyễn Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết đĐể đảm bảo an toàn giao thông, ngành đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và chính quyền địa phương, triển khai các giải pháp như tổ chức kiểm tra thường niên, cắm biển hạn chế tải trọng theo khả năng chịu tải của cầu để cảnh báo người dân qua lại tại tất cả các cầu yếu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn vốn của bộ, ngành Trung ương, tổ chức xã hội tăng cường sửa chữa, xây dựng mới thay thế các cây cầu yếu.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải đề xuất các bộ, ngành Trung ương, tổ chức xã hội quan tâm nhiều hơn trong lĩnh vực đầu tư sửa chữa, xây dựng các cầu yếu; qua đó đảm bảo cho người dân và phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.../.