Quảng Trị: 'Mái ấm' thứ hai của trẻ khuyết tật ở vùng Cùa

Khác với những trẻ em bình thường, việc dạy dỗ, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam khó khăn hơn, đòi hỏi tình yêu thương, sự kiên trì, bền bỉ.
Quảng Trị: 'Mái ấm' thứ hai của trẻ khuyết tật ở vùng Cùa ảnh 1Tập phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Được xem là “mái ấm” thứ hai của trẻ bị khuyết tật và nhiễm chất độc da cam, những năm qua, Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã chăm sóc, phục hồi, điều trị cho nhiều trẻ bị khuyết tật nặng ở vùng Cùa (hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa).

Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Thuận (43 tuổi), xã Cam Chính chở con trai tới Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa. Tại đây, luôn có 4 “cô giáo” có mặt để đón trẻ. Đồng hành cùng con suốt 9 năm qua, chị Thuận rất yên tâm khi con được chăm sóc, phục hồi chức năng ở Trung tâm.

Mười hai năm trước, khi chị sinh con trai, không nỗi đau nào hơn khi biết tin cháu bị nhiễm chất độc da cam, bại não. Không giống những đứa trẻ đồng trang lứa, hiện nay, cơ thể cháu gầy gò, ốm yếu, mỗi khi trái gió trở trời lại đau ốm triền miên.

Những năm qua, Trung tâm Phục hồi chức năng không chỉ là điểm đến để phục hồi chức năng mà còn là “mái ấm” thứ hai của mẹ con chị và nhiều phụ huynh có con bị khuyết tật trên địa bàn. Bởi tại đây, những đứa trẻ ấy được chăm sóc, dạy dỗ, phục hồi chức năng, bố mẹ có thêm hiểu biết để nuôi dạy con đúng cách, phù hợp sức khỏe và tâm sinh lý của con mình.

Không ngăn nổi những giọt nước mắt khi tâm sự với chúng tôi, chị Thuận kể, 12 năm qua, không đêm nào vợ chồng chị ngon giấc. Con sinh ra không được như những đứa trẻ khác đồng trang lứa nên gia đình rất thương. Tiền bạc tích cóp được, vợ chồng chị đem chữa bệnh cho con nhưng không đỡ.

Được tiếp nhận và điều trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa, sức khỏe, nhận thức của con đã tiến bộ hơn trước. Ở đây, các con được cô giáo chăm sóc tận tình cũng như có bài tập phục hồi chức năng phù hợp riêng.

[Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía]

Cũng giống chị Thuận, chị Lê Thị Trang (45 tuổi), xã Cam Nghĩa có con gái 9 tuổi đang được phục hồi chức năng tại Trung tâm. Nhìn con thực hiện các động tác phục hồi vận động, chị Trang chia sẻ, con gái bị nhiễm chất độc da cam nên khi sinh ra cháu đã mắc bệnh tim, yếu ớt.

Những năm qua, Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa luôn là điểm đến con yêu thích. Ở đây, con được tập phục hồi chức năng, giáo dục kỹ năng, giao tiếp và chơi với cô, các bạn nên rất vui, thích thú. Không những thế, chị được tiếp nhận nhiều kiến thức quý báu trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như xử lý tình huống khẩn cấp khi sức khỏe con có vấn đề...

Quảng Trị: 'Mái ấm' thứ hai của trẻ khuyết tật ở vùng Cùa ảnh 2Khác với những trẻ em bình thường, việc dạy dỗ, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam khó khăn hơn. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2008, Trung tâm phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa hoạt động dưới sự quản lý của Ủy ban Nhân dân xã Cam Nghĩa. Trung tâm có 30 trẻ bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam vùng Cùa (hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa) của huyện Cam Lộ đang được phục hồi chức năng.

Trung tâm có 4 cộng tác viên chăm sóc và tập luyện cho trẻ. Kinh phí hoạt động chủ yếu từ sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, đơn vị, tổ chức và Dự án Renew (chương trình hợp tác giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm nỗ lực giảm thiểu số người tử vong, bị thương do bom chùm cũng như các vật liệu chưa nổ khác còn sót lại từ sau chiến tranh).

Gắn bó từ những ngày đầu tiên đến nay, chị Nguyễn Thị Thương, phụ trách Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa cho biết, thời điểm mới thành lập, Trung tâm gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất lẫn kinh phí hoạt động. Những năm qua, kinh phí duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, tổ chức, đơn vị, dự án.

Khác với những trẻ em bình thường, việc dạy dỗ, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam khó khăn hơn, đòi hỏi tình yêu thương, sự kiên trì, bền bỉ của các cộng tác viên. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe và khuyết tật của các em, Trung tâm có những bài tập, bài dạy phù hợp.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm luôn nhận được sự tin tưởng của phụ huynh, tình yêu của các em nhỏ. Những năm qua, trong số những trẻ em bị khuyết tật được phục hồi chức năng ở đây đã có nhiều trẻ hòa nhập cộng đồng, lập gia đình, lập nghiệp. Đặc biệt, trong số đó có một em đã trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật. Đó là niềm vui, tự hào của Trung tâm.

Cam Nghĩa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh, bởi số người nhiễm chất độc da cam và tai nạn bom mìn rất lớn. Toàn xã có 356 người khuyết tật thuộc 170 hộ gia đình. Nhiều gia đình có 2-3 trẻ bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam.

Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa đã chăm sóc bán trú hoàn toàn miễn phí cho trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, mắc các tật vận động, bại não, thiểu năng, khiếm thị, không có khả năng tự phục vụ... hỗ trợ rất nhiều cho các gia đình. Hiện nay, Trung tâm gặp khó khăn về kinh phí, thiết bị, nhân lực, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm.

Ông Nguyễn Anh Hai, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, quản lý Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa cho biết, hầu hết gia đình trẻ khuyết tật tại Trung tâm đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn nên Trung tâm hoạt động đã hỗ trợ phần nào kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay chương trình hỗ trợ của Dự án Renew đang đi vào giai đoạn cuối và sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2023.

Trung tâm đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu không nhận được sự hỗ trợ trong thời gian tới. Ông Nguyễn Anh Hai mong muốn, Trung tâm tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về kinh phí cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục hồi chức năng để duy trì hoạt động. Qua đó, góp phần hỗ trợ trẻ em khuyết tật trên địa bàn.../.

Quảng Trị: 'Mái ấm' thứ hai của trẻ khuyết tật ở vùng Cùa ảnh 3Trao tặng quà cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục