Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nguồn lực của địa phương còn khó khăn nên việc bố trí khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển còn hạn chế, chỉ xử lý mang tính tạm thời trước mắt.
Thời gian qua, việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ở Quảng Trị chủ yếu lồng ghép vào nguồn lực của Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, nguồn lực từ Trung ương hỗ trợ không đủ đáp ứng nhu cầu nên chưa thể nghiên cứu giải pháp khắc phục mang tính tổng thể bền vững và lâu dài.
Ngoài ra, yêu cầu về thời hạn thực hiện nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ gấp, ngắn hạn nên tỉnh gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Quảng Trị đã và đang diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9-11 hằng năm.
Nguyên nhân do sông ngòi ở Quảng Trị ngắn và dốc, lưu tốc dòng chảy lớn kết hợp tình hình thiên tai diễn ra khốc liệt, dồn dập về tần suất và cường độ làm gia tăng tình hình sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở hệ thống sông chính gồm: Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu cùng các sông khác như: Sê Pôn, Sê Băng Hiêng, Vĩnh Định.
Đáng chú ý, vùng trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển ở Quảng Trị thường gắn với khu vực đông dân cư. Để khắc phục sạt lở cần gắn với việc di dời dân và tái định cư. Do đó, cần nguồn lực rất lớn triển khai đồng bộ, trong khi Quảng Trị còn là tỉnh nghèo.
Mưa lũ đầu tháng 11/2024 đã làm cho bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong bị sạt lở thêm trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của hơn 100 hộ dân cùng nhiều công trình, nhà ở nhưng chưa có nguồn lực để xây dựng kè khắc phục.
Tương tự, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua các xã Triệu Long, Triệu Giang (huyện Triệu Phong), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) làm mất đất sản xuất, hư hỏng công trình và nhà ở, nhiều hộ dân phải di dời.
Tình trạng sạt lở bờ sông ở Quảng Trị ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4.520 hộ dân, trong đó có khoảng 800 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm, chỉ cách mép sông dưới 20m.
Vào mùa mưa bão, bờ biển tỉnh Quảng Trị có nhiều điểm bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các công trình, rừng phòng hộ ven biển đoạn qua các xã Triệu Lăng, Triệu Vân (huyện Triệu Phong), Trung Giang, Gio Hải (huyện Gio Linh).
Cuối tháng 10/2024, bão số 6 khiến sóng biển dâng cao đánh vỡ nhiều cấu kiện bê tông của hệ thống kè bờ biển, đồng thời làm sạt lở nhiều điểm kéo dài hàng nghìn mét dọc bờ biển đoạn qua xã Gio Hải, huyện Gio Linh.
Sạt lở bờ biển ở địa phương này đang tiến sát rừng phi lao phòng hộ, nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình và khu dân cư.
Tỉnh Quảng Trị có trên 133km sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được khắc phục xử lý gồm: Gần 30km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73km sạt lở nguy hiểm, trên 33km sạt lở bình thường.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá và thực hiện cắm biển cảnh báo sạt lở; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực đang có diễn biến sạt lở, nhất là khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Các sở, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời báo cáo Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển./.
Quảng Bình: Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất và lũ quét tại bản Tân Ly
Tại khu vực núi phía sau bản Tân Ly xảy ra sạt lở và xuất hiện vết nứt có chiều rộng từ 0,5-1m, dài khoảng trên 100m; vị trí sạt lở sát với khu dân cư, cách hộ dân gần nhất khoảng 15m.