Quảng Trị: Hơn 1.000 căn nhà bị ngập sâu, 1 người mất tích

Trong đợt mưa lớn này, vùng thấp trũng của huyện Cam Lộ bị thiệt hại nặng nhất khi có tới 1.062 nhà dân bị ngập sâu từ 0,6-0,8m tập trung ở các xã: Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy.
Di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm tại xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị). (Ảnh: TTXVN phát)

Các địa phương vùng thấp trũng ở tỉnh Quảng Trị đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ từ ngày 13-14/11.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Quảng Trị, trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to.

Lượng mưa phổ biến từ 110-230mm, một số nơi cao hơn như: Cam Chính (huyện Cam Lộ) 307mm, Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) 473mm.

Đợt mưa lớn này khiến lũ trên các sông ở Quảng Trị lên nhanh và đạt đỉnh vào đêm 13/11 rạng sáng 14/11.

Lũ trên sông Hiếu (chảy qua huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà) lên cao nhất khi ở dưới báo động 3 là 0,07m, các sông còn lại dưới báo động 2. Từ sáng 14/11, lũ trên các sông ở Quảng Trị xuống, hiện ở mức trên báo động 1 do mưa giảm.

Trong đợt mưa lớn này, vùng thấp trũng của huyện Cam Lộ bị ngập lụt nặng nhất. Lũ trên sông Hiếu lên nhanh và đạt gần mức báo động 3 khiến 1.062 nhà dân bị ngập, chỗ ngập sâu nhất từ 0,6-0,8m tập trung ở các xã: Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy.

Tại các xã này, huyện Cam Lộ di dời 448 hộ với tổng số 1.064 người ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Huyện đã cho 2.700 học sinh ở 5 trường nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Từ sáng 14/11, ngay khi nước lũ bắt đầu xuống, huyện Cam Lộ huy động lực lượng gồm bộ đội, thanh niên… tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ.

Các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 19 hỗ trợ giáo viên các trường dọn dẹp và vệ sinh để đón học sinh quay trở lại trường học.

Các lực lượng khác tập trung hỗ trợ người dân dọn dẹp, sắp xếp lại đồ dùng để sớm ổn định cuộc sống; đồng thời tổng vệ sinh môi trường ở các trường học, mặt đường giao thông bị lấp bùn đất.

Lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm ông Lê Đức Hùng (sinh năm 1987, trú tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) bị mất tích khi đi đánh cá từ tối 13/11.

Mưa lũ gây ngập lụt các ngầm tràn làm chia cắt giao thông tạm thời ở vùng miền núi. Huyện miền núi Đakrông có 10 ngầm tràn bị ngập lụt từ 0,5-1,5m gồm: Ba Lòng, A Ngo - A Bung, Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng, Ly Tôn, La Tó, Húc Nghì, Đá đỏ, ngầm tràn trên tuyến đường đến trung tâm xã A Vao.

Huyện miền núi Hướng Hóa có 4 ngầm tràn bị ngập lụt từ 0,5-1m gồm: Tả Xía, Ván Ri, Cheng, Bản Bù. Thành phố Đông Hà có 197 nhà dân ở phường 4 bị ngập từ 20-30cm, hiện nước đã rút.

Tại huyện Hải Lăng, một số tuyến đường thôn, liên xã thuộc các xã vùng thấp trũng như Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Trường, Hải Định và trị trấn Diên Sanh bị ngập.

Tại các điểm ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất, chính quyền địa phương triển khai lực lượng canh gác, bố trí rào chắn, biển cảnh báo đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Đường giao thông nội đồng phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bị ngập lụt. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cảnh báo từ ngày 15-17/11, lũ trên các sông có khả năng lên trở lại. Đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2, có sông trên báo động 2.

Nguy cơ ngập úng cục bộ ven sông suối, ngầm tràn qua khe suối ở khu vực miền núi, ngập lụt vùng thấp trũng hạ lưu các sông Bến Hải, sông Hiếu, Thạch Hãn và Ô Lâu.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, sạt trượt ở công trình đang thi công, sạt lở bờ sông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục