Do không có nguồn lực đầu tư trồng rừng và vướng mắc về pháp lý trong liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hiện nay, hàng nghìn hecta đất sản xuất ở Quảng Trị thuộc các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ, khu bảo tồn quản lý đang bị bỏ hoang, gây lãng phí và phát sinh nhiều vụ lấn chiếm, tranh chấp đất rừng.
Thực hiện các quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt phương án rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh (Phương án 3359), các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ đã xây dựng phương án chi tiết trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt với tổng diện tích chuyển đổi là 6.140ha.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay diện tích đất bàn giao về địa phương hơn 3.100ha, diện tích được Ban Quản lý Rừng Phòng hộ giữ lại để sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện lộ trình tự chủ của các đơn vị là hơn 3.000ha.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đơn vị được sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, liên kết phải chuyển từ Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất có thu tiền sử dụng đất và đơn vị phải tự chủ về chi tiêu tài chính.
Trong khi đó, hiện nay, các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ tại Quảng Trị chưa được phê duyệt phương án tự chủ và diện tích đất góp vốn liên doanh chưa chuyển đổi từ Nhà nước giao đất sang thuê đất. Do đó, cơ quan thuế không có cơ sở để xác định tiền thuê đất, xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ diện tích sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết, nên hàng nghìn hecta đất sản xuất ở Quảng Trị thuộc các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ, khu bảo tồn quản lý đang bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Ông Thái Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Rừng Phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, cho biết do không có nguồn lực đầu tư trồng rừng và vướng mắc về pháp lý trong liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hiện 350ha đất sản xuất do Ban quản lý đang bị bỏ trống, gây lãng phí và phát sinh nhiều hệ lụy.
Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải thiện rừng, sử dụng đất bền vững
Theo ông Thái Văn Sơn, diện tích đất này được chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để Ban Quản lý thực hiện phương án tự chủ đơn vị. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, phương án tự chủ của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ chưa được phê duyệt, do đó việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng bị vướng các quy định của pháp luật. Hàng trăm hecta đất đang bị bỏ trống, người dân sống trong vùng liên tục lấn chiếm để trồng cây.
Hàng ngày, Ban Quản lý Rừng Phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn phải huy động lực lượng đi tuần tra rất vất vả để kịp ngăn chặn tình trạng xâm lấn đất rừng. Nhưng địa bàn đất rừng sản xuất trải rộng trên địa bàn nhiều xã, trong khi người dân lấn chiếm trồng cây ở khu vực thực bì cao dày, khi lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, cây keo đã lớn nên xảy ra tranh chấp, rất khó xử lý.
Tương tự, Ban Quản lý Rừng Phòng hộ lưu vực sông Bến Hải hiện có hơn 400ha đất rừng sản xuất đang bị bỏ trống, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và phát sinh nhiều hệ lụy.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Rừng Phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, do vướng mắc về pháp lý nên hàng trăm hecta đất rừng bị bỏ trống nhiều năm qua gây lãng phí, tốn kém nguồn nhân lực hàng ngày phải tuần tra, bảo vệ, đặc biệt là phát sinh nhiều vụ lấn chiếm đất rừng, nảy sinh tranh chấp, giải quyết khó khăn.
“Chúng tôi mong muốn các cấp thẩm quyền sớm xem xét, phê duyệt phương án tự chủ của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ để được thực hiện liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất theo đúng quy định pháp luật mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững,” ông Hùng đề nghị.
Hiện hơn 1.000ha rừng từ các hợp đồng liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất giữa các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ ở Quảng Trị với doanh nghiệp đã đến chu kỳ khai thác nhưng vướng thủ tục pháp lý, các Ban Quản lý Rừng Phòng hộ tại Quảng Trị chưa được phê duyệt phương án tự chủ nên không thể khai thác đang khiến các đơn vị, doanh nghiệp bức xúc, lo lắng./.