Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 đang thực hiện các thủ tục để chấm dứt. Tuy nhiên, người dân trong vùng dự án vẫn đang trong tình trạng “đi thì dở, ở không xong” vì vướng quy hoạch suốt nhiều năm qua. Nhà cửa của người dân đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể sửa sang, tách thửa...
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 có công suất 1.200 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan đầu tư tại văn bản số 6637/VPCP-KTN ngày 12/8/2013.
Tuy nhiên, do các vướng mắc khách quan về thu xếp tài chính dự án, nguồn vốn và việc thực thi đầy đủ các cam kết COP26 đạt giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Chính phủ hai nước Việt Nam-Thái Lan, Bộ Năng lượng Thái Lan đã thống nhất dừng triển khai Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1.
[Thiếu vốn, dự án nhiệt điện hàng chục nghìn tỷ bỏ không hơn 10 năm]
Nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, nhiều hộ dân của xã Hải Khê, huyện Hải Lăng đang gặp khó khăn về nhà ở cũng như tách sổ đỏ.
Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Nguyễn Quang Vinh (64 tuổi, Đội 2, xã Hải Khê) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà cũ, tường chằng chịt các vết nứt, hệ thống dầm trụ, thanh ngang đã bị nứt vỡ không còn an toàn.
Thế nhưng, vì vướng quy hoạch dự án, ba thành viên trong gia đình ông vẫn ngày ngày sinh sống dưới mái nhà này. Hằng năm, mỗi lần có mưa bão lớn, cả gia đình lại dắt díu nhau đi sơ tán.
Chỉ vào vết nứt lớn trên tường nhà, ông Vinh cho biết gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo. Căn nhà tình nghĩa này được chính quyền xây dựng cách đây 12 năm. Khoảng 3 năm trở lại đây, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Địa phương đã về kiểm tra, xác định căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào nên đã đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho phép sửa chữa lại.
Tuy nhiên, vì nằm trong vùng quy hoạch của dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1, căn nhà này vẫn không được phép sửa chữa. Hiện, cả gia đình ông vẫn phải sống trong căn nhà này với nỗi lo lắng thường trực.
"Nhận được thông tin về việc chấm dứt dự án, gia đình tôi nói riêng và người dân nơi đây nói chung rất mong chính quyền sớm có giải pháp để bà con có thể tiếp tục sửa chữa, xây dựng lại nhà ở hoặc chuyển lên khu tái định cư mới cho cuộc sống ổn định," ông Vinh nói.
Tương tự, ông Lê Hồng Cuộc (60 tuổi, Đội 2, xã Hải Khê) cho biết căn nhà của gia đình ông xây dựng rất lâu nên đã xuống cấp trầm trọng. Hiện ông muốn sửa chữa nhưng không được. Mỗi mùa mưa bão về, cả nhà lại nơm nớp lo sợ phải đi tránh trú nơi khác.
Bên cạnh đó, con cái ông lập gia đình cũng không thể tách sổ đỏ khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Người dân ở đây mong rằng nếu dự án hủy bỏ, chính quyền phải xóa quy hoạch để họ có thể sửa chữa, làm nhà ổn định cuộc sống.
Theo Ủy ban Nhân dân Hải Khê, khu vực Đội 2, Đội 3, thôn Trung An nằm trong vùng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 với 207 hộ phải chịu ảnh hưởng. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị được di dời sớm đến khu tái định cư hoặc được phép xây dựng lại nhà cửa, tách thửa và đầu tư lại cơ sở hạ tầng đã xuống cấp.
Ông Trương Xuân Tính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Khê cho hay vì vướng quy hoạch dự án, rất nhiều hộ dân trên địa bàn không thể sửa chữa, cơi nới nhà cửa, tách thửa đất. Các công trình điện, đường, trường, trạm phục vụ dân sinh đã lâu không được đầu tư, ngày càng xuống cấp. Hiện nay, khu tái định cư xã Hải Khê đã xây xong, người dân rất muốn được di dời đến nơi ở mới để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt và sản xuất ổn định.
Để phục vụ cho dự án Nhà máy Nhiệt điện có tổng vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng và một số dự án động lực Khu Kinh tế Đông Nam, từ 2017-2022, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng khu tái định cư 231 tỷ đồng trên diện tích 50ha.
Khu tái định cư có 476 lô, diện tích từ 364-450 m2/lô. Hiện, khu tái định cư đã xây xong, hệ thống cây xanh, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà sinh hoạt cộng đồng… đã đi vào hoạt động.
Thế nhưng, người dân trong vùng dự án vẫn chưa được đền bù, vào ở khu tái định cư vì dự án đang làm các thủ tục để chấm dứt. Điều này đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại giải quyết thủ tục hành chính, khám, chữa bệnh, ổn định cuộc sống.
Theo ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng, huyện mong muốn thời gian tới đưa người dân nằm trong khu quy hoạch vào khu tái định cư. Tuy nhiên, hiện chưa có dự án mới triển khai để có thể đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc./.