Quảng Ninh triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính

Nhiều sở, ngành, đơn vị đã chủ động rà soát, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cắt giảm thời gian giải quyết từ 30 đến trên 60% theo quy định.

Lễ ký kết giữa các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trong ngành du lịch tại Hội nghị chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)
Lễ ký kết giữa các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trong ngành du lịch tại Hội nghị chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, có 24/32 nhiệm vụ đã được hoàn thành theo kế hoạch cải cách hành chính.

Nhiều sở, ngành, đơn vị đã chủ động rà soát, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết từ 30 đến trên 60% theo quy định như Sở Văn hóa Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Tính đến hết ngày 30/6/2023, toàn tỉnh tiếp nhận 532.950 hồ sơ, đã giải quyết 506.890 hồ sơ, đạt 95,11%.

Công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trình cả 3 cấp đạt trên 80%. Trong đó: cấp xã đạt trên 70%, cấp huyện đạt trên 75%, cấp tỉnh đạt trên 85%.

Thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính không dùng tiền mặt đạt gần 900 triệu đồng. Các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được triển khai bình đẳng, thúc đẩy đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Các nội dung về cải cách thể chế, tài chính công, chế độ công vụ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được triển khai hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tường Huy đã yêu cầu các sở, ban, ngành cần khắc phục tình trạng chậm, muộn thủ tục hành chính, nếu quá hạn hồ sơ phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp, tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường việc gặp mặt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, động viên doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính ở cả 3 cấp; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

Quảng Ninh luôn xác định cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

5 năm qua, Quảng Ninh liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI (2017-2021); 4 năm liên tiếp (2017-2020) xếp thứ nhất về Chỉ số PAR INDEX, năm 2021 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; 3 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS (2019-2021). Đây là kết quả từ những nỗ lực lâu dài trong thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ các mô hình đột phá về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới một nền hành chính phục vụ.

Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước được nhận Huân chương Lao động hạng Ba trong thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục