Sáng 19/3, tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức lễ thông quan cầu Bắc Luân II, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Đúng 7 giờ 30, tại vạch phân quản Cầu Bắc Luân II, lãnh đạo của hai tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã cùng bấm nút, chứng kiến những chuyến xe vận chuyển hàng hóa đầu tiên của hai đất nước giao thương qua lại.
Cầu Bắc Luân II đóng vai trò là cửa khẩu thông quan hàng hóa giữa Việt Nam-Trung Quốc, còn cầu Bắc Luân I sẽ là cửa khẩu thông quan hành khách, tập trung phát triển du lịch.
[Quảng Ninh khánh thành cầu Bắc Luân II Việt Nam-Trung Quốc]
Để kết nối đồng bộ với cầu Bắc Luân II, Quảng Ninh đã đầu tư hạng mục đường dẫn cầu dài 3,5km, kêu gọi nhà đầu tư triển khai đầu tư bãi thông quan hàng hóa rộng 7.000m2 trang bị thiết bị hỗ trợ đồng bộ, hiện đại với xe cầu lên đến 100 tấn.
Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2019 Quảng Ninh sẽ tiếp tục khởi công cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, tuyến đường sẽ đấu nối trực tiếp vào đường dẫn cầu Bắc Luân II.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trục giao thông thông suốt kéo dài từ Thành phố Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai, trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam thời điểm này, phù hợp với sáng kiến chung của hai nước về hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và là cửa ngõ nối ASEAN với Trung Quốc.
Cầu Bắc Luân II, Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái được tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức khánh thành vào tháng 9/2017 sau gần ba năm thi công (khởi công tháng 11/2014).
Đây là sản phẩm hợp tác, tăng cường giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại giữa hai tỉnh cửa khẩu, từng bước hoàn thiện giao thông mậu dịch đối ngoại, tiến tới triển khai khu quốc tế song phương.
Cầu có chiều dài 618m, mặt cầu rộng 27,7m được thiết kế dạng cầu vòm dầm hộp bê tông dự ứng lực. Trong đó, phía Việt Nam thi công là 154,5m, Trung Quốc thi công số còn lại theo nguyên tắc không làm thay đổi dòng chảy, không thu hẹp, ảnh hưởng đến lòng sông, bờ sông; không thay đổi hiện trạng đường biên giới giữa hai nước, không ảnh hưởng đến việc thoát lũ, giữ gìn môi trường sinh thái của dòng sông.
Thực hiện chương trình tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc, sau thời gian đàm phán, triển khai đầu tư Trạm kiểm soát liên ngành, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã cùng thống nhất thông quan, đưa thêm công trình kết nối hai quốc gia vào khai thác, giảm tải cho cầu Bắc Luân I có lịch sử trên 100 năm tuổi, tải trọng hạn chế./.