Trong năm 2022, Quảng Ninh sẽ khẩn trương thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics... cần sớm triển khai và thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến ngày 24/2 để nghe báo cáo về kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành nhấn mạnh: Việc chuyển đổi số cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Các sở, ngành, địa phương cần vào cuộc thực hiện tích cực, khẩn trương; tập trung tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi tư duy, hành động chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị đến người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh gắn mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành.
[Chuyển đổi số - hướng đi mới trong công tác đào tạo của ĐH Đà Nẵng]
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh là triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh sẽ tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2022, Quảng Ninh triển khai việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết thủ tục hành chính các cấp.
Tỉnh phấn đấu hết năm 2023 sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: đất đai; cán bộ, công chức, viên chức; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông.
Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa. Đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý./.