Diện mạo tỉnh Quảng Ninh sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Quảng Ninh thay da đổi thịt sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tích, về đích vào năm 2019 tức là trước một năm so với kế hoạch đề ra.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự đổi thay rõ nét bộ mặt nông thôn của tỉnh Quảng Ninh. Đời sống người dân được cải thiện, hàng nghìn km đường được cứng hoá, các công trình phúc lợi được xây dựng, văn hóa - xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự giữ vững.

Năm 2010, Tỉnh Quảng Ninh bước vào xây dựng nông thôn mới trong một bối cảnh rất khó khăn. 

Theo ông Đặng Bá Bắc, Phó trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh: “Chúng tôi bước vào xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh rất khó khăn. Mặc dù là tỉnh phát triển song lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù địa lý, nhiều xã miền núi, biên giới và hải đảo, toàn tỉnh có đến 52 xã khó khăn, 22 xã đặc biệt khó khăn."

Trước những thách thức ấy, Quảng Ninh xác định rõ ràng phải xây dựng nông thôn mới "từ dưới đi lên," tức là người dân phải vào cuộc cùng hệ thống chính trị. Do đó, mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh song vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đặt vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. 

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã về đích trước một năm so với kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 91/122 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu có thêm 100 xã về đích vào năm 2022.

Ông Đặng Bá Bắc nhấn mạnh: “Sau khi hoàn thành nông thôn mới chúng tôi tiếp tục chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện toàn tỉnh đã có 5 đơn vị cấp xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, trong khi nhiều địa phương khác trên cả nước còn rất ít.”

Một điểm nhấn được coi là hạt nhân chiến lược trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ninh là chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) với mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm có lợi thế địa phương; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất,” tăng thu nhập cho người dân.

Quảng Ninh là địa phương tiên phong của cả nước trong việc thực hiện chương trình này. 10 huyện, thị xã, thành phố có xã vùng đồng bằng và xã thuộc khu vực I có tổng số 127/148 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, chiếm 85,8% toàn tỉnh. Có 311/402 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, chiếm 77,4% toàn tỉnh. Trong đó, có117/138 sản phẩm đạt sao.

Kết quả triển khai Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá là cách làm rất đúng đắn, được Chính phủ khuyến khích nhân rộng ra toàn quốc.  

Nhận định "Nông thôn mới có điểm bắt đầu, song không có điểm kết thúc," thời gian tới, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục quyết tâm nâng cao chất lượng của chương trình này. 

"Việc gắn với chương trình nông thôn mới và đô thị thông minh để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn nhằm cam kết bảo đảm không có sự chênh lệch cao giữa thành thị và nông thôn và đây là mục tiêu tỉnh tiếp tục đặt ra,” ông Đặng Bá Bắc khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục