Quảng Ninh tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi

Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.
Hàng hóa xuất khẩu ở khu vực biên giới Móng Cái. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ngay từ cuối năm 2022, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo tiếp tục cải tiến quy trình đăng ký doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng; tiến hành cấp mã số tự động, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Qua đó, đã rút ngắn 50% thời gian giải quyết đối với 52 thủ tục hành chính.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính với cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, đặc biệt là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian ở mỗi bước.

Cụ thể, việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không quá 12 ngày; cấp giấy phép xây dựng không quá 7 ngày; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng không quá 7 ngày.

[Quảng Ninh có thể thu hút 1 tỷ USD nguồn vốn FDI vào khu công nghiệp]

Tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm các thành phần hồ sơ có thể tiếp cận liên thông trên phần mềm chính quyền điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và đăng ký đất đai.

Qua đó, tỉnh đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất vào giấy chứng nhận đã cấp không quá 14 ngày (thời gian quy định không quá 30 ngày); thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không quá 7 ngày, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu không quá 15 ngày.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Song song với đó, tỉnh đã đặt mục tiêu, từ năm 2023 trở đi, mỗi cơ quan, địa phương tổ chức ít nhất 4 hội nghị gặp mặt doanh nghiệp/năm theo các chuyên đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để tuyên truyền, hướng dẫn chính sách mới, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023 với trên 800 doanh nghiệp, hợp tác xã. hộ kinh doanh tham gia. Đồng thời, tổ chức Hội nghị Càphê doanh nhân với chủ đề “Gặp gỡ, trao đổi những nội dung mới và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư.”

Tháng 6/2023, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đầu tiên với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh, hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, kiến tạo sự phát triển.

Sản xuất đông lạnh tôm theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài tại Công ty cổ phần Thủy sản BNA huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được tỉnh chỉ đạo quyết liệt.

Trong nửa đầu năm 2023, tỉnh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh; cung cấp 1.231 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.

Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh đã thực hiện số hóa 10.234 hồ sơ (đạt 77,7%); Trung tâm Hành chính Công cấp huyện tiếp nhận và số hóa 13.421 hồ sơ (đạt 96,7%).

Đặc biệt, trong giao dịch thương mại qua biên giới, tỉnh Quảng Ninh triển khai kế hoạch cải cách hành chính, phát triển và hiện đại hóa Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, phân loại; 100% chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp điện tử; giảm 25% tỷ lệ số cuộc kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; tăng 10% số lượng tờ khai làm thủ tục thông quan qua đại lý hải quan.

Trong 7 tháng qua, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút trên 1.200 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, tăng 21% về doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, 339 doanh nghiệp trong tỉnh, 862 doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Cơ quan Hải quan đã làm thủ tục cho 56.119 tờ khai xuất nhập khẩu với kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 8.608 triệu USD; tăng 38% về tờ khai so với cùng kỳ năm 2022.

Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu do Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh thực hiện đạt 9.767 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 85% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đạt 81% chỉ tiêu Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục